Chăm sóc mèo con cần nhiều sự tỉ mẩn và cẩn thận hơn so với mèo trưởng thành vì đây là khoảng thời gian nhạy cảm nhưng cũng rất quan trọng để mèo phát triển khỏe mạnh trong tương lai. Ở giai đoạn mèo con 2 tháng tuổi, mèo sẽ có một vài điểm khác biệt và cần lưu ý hơn so với mèo trưởng thành.
Bài viết dưới đây sẽ cho bạn biết những điểm cần chú ý về thức ăn, vệ sinh, tiêm phòng khi nuôi mèo 2 tháng tuổi.
1. Mèo 2 tháng tuổi ăn gì?
Mèo ở khoảng 1-3 tháng tuổi hay cụ thể 2 tháng tuổi là lúc chúng cần được cai sữa mẹ và bắt đầu ăn dặm. Thời gian này bạn cần chọn chế độ dinh dưỡng phù hợp để tránh gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của mèo. Khi sữa không còn là nguồn cung cấp dinh dưỡng chính, mèo con cần bổ sung rất nhiều dinh dưỡng từ thức ăn, đó có thể là thức ăn bạn nấu hoặc thức ăn đóng hộp.
Mèo được 8 tuần tuổi (2 tháng) trở lên sẽ không cần sữa nữa nhưng bạn vẫn có thể cho mèo uống để thay thế tạm cho nước uống nếu muốn. Ngoài ra, mèo có thể uống sữa công thức từ một số thương hiệu như Bio Milk hay Nourse Goat Milk Powder.
1.1. Thức ăn
Giai đoạn 2 tháng tuổi, mèo con bắt đầu quá trình cai sữa mẹ nên cần kết hợp sữa ngoài với chế độ ăn dặm chứa nhiều calo, protein, chất béo, vitamin, và nước có trong các thức ăn như thịt, cá, tôm tép, nội tạng động vật, rau củ, trứng… Đặc biệt bạn nên chú ý đến dưỡng chất Taurine có trong cá, đây là dinh dưỡng cực kỳ cần thiết và quan trọng với mèo nhằm hỗ trợ thần kinh thị giác, trí thông minh và giúp lông mèo trở nên mềm mượt hơn.
Thức ăn cần được làm sạch, nấu chín kỹ và không nêm nhiều gia vị, bảo vệ hệ tiêu hóa của mèo. Nếu không có thời gian nấu thức ăn dặm, bạn có thể cho mèo ăn thức ăn chế biến sẵn. Tuy nhiên, trước khi ăn bạn cần ngâm thức ăn khô với nước cho mềm nhằm bảo vệ dạ dày của mèo.
Mèo 3 tháng tuổi thường nặng dưới 2kg và cần 140 – 160g thức ăn mỗi ngày.
Dưới đây là 5 loại thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cả mèo con và mèo trưởng thành:
- Cá
Thịt cá nhiều nhiều taurine rất có lợi cho mắt, tim mạch và hệ tiêu hoá của mèo. Ngoài ra, các loại cá biển như cá hồi, cá thu,… chứa hàm lượng axit béo cao tốt cho lông và xương khớp. Bạn cần lọc xương cá thật kỹ trước khi cho mèo con ăn để tránh bị hóc xương.
- Thịt và nội tạng động vật
Thịt có chứa nhiều protein tốt cho sự phát triển của mèo và cũng phù hợp với đường tiêu hoá. Thịt gà, heo, bò,… và các loại nội tạng như gan, tim, phổi,… là những món ăn yêu thích của mèo. Bạn hãy lựa chọn nguồn thịt đảm bảo vệ sinh để mèo không bị nhiễm ký sinh trùng.
- Trứng
Trứng là nguồn thực phẩm an toàn mà còn rất giàu protein, chất béo, vitamin A, B2 và B12 giúp da mèo khỏe mạnh và lông bóng mượt. Hãy nhớ là luộc hoặc nấu trứng chín mới cho mèo ăn nhé và bạn cho mèo ăn trứng 1 – 2 lần mỗi tuần là tốt nhất.
- Thức ăn khô cho mèo
Mèo 2 tháng tuổi đã có thể bắt đầu huấn luyện cho ăn khô. Thức ăn khô có thể cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho mèo mà không có quá nhiều chất béo gây thừa cân. Đồ ăn khô còn giúp làm sạch răng cho mèo con hiệu quả.
- Thức ăn ướt – pate
Thức ăn ướt là món khoái khẩu của mèo vì giàu dinh dưỡng và rất thơm ngon. Các hộp thức ăn ướt cung cấp tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể để mèo phát triển khoẻ mạnh. Tuy nhiên, ăn nhiều có thể gây béo phì và các vấn đề răng miệng.
1.2. Cung cấp cho mèo đủ nước
Mèo cần duy trì một lượng nước vừa đủ trong cơ thể để có sức khoẻ tốt. Nước không chỉ giúp mèo đảm bảo hoạt động cơ học của xương khớp mà còn duy trì chức năng của các cơ quan khác như thận, tim, gan và hệ tiêu hoá.
Mèo có thể mất nước trong thời tiết nóng và khi phải hoạt động thể chất nhiều. Vì vậy, một cơ thể đủ nước sẽ khiến mèo 2 tháng tuổi khỏe mạnh và có một sống năng động.
Mặc dù thức ăn ướt và sữa có thể cung cấp một phần lượng nước mà mèo cần nhưng uống nước trực tiếp vẫn là cách tốt nhất để bổ sung đủ nước cho cơ thể. Mỗi ngày, mèo cần nạp vào cơ thể khoảng 70ml nước để tránh tình trạng mất nước. Bạn nên thay khay nước khoảng 3 – 4 lần trong một ngày, đảm bảo khay nước luôn đầy và sạch đẻ mèo có thể uống bất kỳ lúc nào.
1.3. Mèo 2 tháng tuổi không ăn được gì?
- Thịt, cá, trứng sống: Các loại thịt sống có nhiều nguy cơ khiến mèo bị nhiễm ký sinh trùng và khuẩn đường ruột như Salmonella và E. coli.
- Nho và các loại hạt macadamia: Nho chứa chất gây suy thận ở mèo còn các hạt macadamia có thể gây hôn mê, nôn mửa và sốt.
- Rau củ như hành, hành tây, hẹ, tỏi: Gây rối loạn đường ruột và làm tổn hại các tế bào hồng cầu, dẫn đến thiếu máu với các triệu chứng như nôn mửa, tiêu chảy, chán ăn và mất nước.
- Chocolate, cafe, trà, các đồ uống chứa caffeine: Chocolate có chứa caffeine và một thành phần gọi là theobromine, cả hai khi hấp thụ vào cơ thể mèo sẽ có độc tính cao, có khả năng gây tử vong.
- Bánh kẹo có nhiều đường: Quá nhiều carbohydrate trong bánh kẹo có thể khiến đường tiêu hoá của mèo bị quá tải, chủ yếu là dạ dày, ruột non và tuyến tụy.
Về vấn đề cho ăn thô, bạn hãy đợi đến khi mèo được khoảng 20 tuần tuổi ~ 5 tháng tuổi hãy bắt đầu cho ăn.
2. Cách vệ sinh cho mèo 2 tháng tuổi
Để luyện tập thói quen đi vệ sinh đúng chỗ cho mèo, bạn hãy có thói quen dọn dẹp khay cát vệ sinh đều đặn.
- Làm sạch khay cát
Dùng muỗng xúc phân để loại bỏ phân và nước tiểu ít nhất là 1 lần 1 ngày, tốt hơn là 2 lần 1 ngày. Việc vệ sinh hàng ngày giúp giảm mùi hôi hiệu quả. Khay vệ sinh sạch sẽ khuyến khích mèo đi vệ sinh đúng chỗ, giúp bạn đỡ mất thời gian dọn dẹp nếu mèo đi bên ngoài. Bên cạnh đó, khay sạch giúp mèo thoải mái đi vệ sinh, không giữ lại chất thải có thể gây ra các bệnh về thận và bàng quang.
- Thay cát thường xuyên
Bạn hãy quan sát và chú ý thêm cát vào khay khi cần thiết, đồng thời thay cát toàn bộ ít nhất 1-2 tuần/lần. Nếu bạn nuôi nhiều mèo hơn thì hãy thay cát thường xuyên hơn. Điều này giúp duy trì môi trường sạch sẽ, hạn chế sự phát triển của vi khuẩn và giảm nguy cơ lây truyền bệnh từ mèo sang người.
- Kháng khuẩn
Ngoài tiêu chí thấm hút tốt và dễ vón cục, bạn cũng nên chọn các loại cát có khả năng kháng khuẩn hoặc các bình xịt khuẩn chuyên dụng. Cát kháng khuẩn có thể giúp giảm vi khuẩn sinh sôi và khử mùi hôi, giữ nhà cửa luôn thơm tho.
3. Tắm và chăm sóc lông
Mèo 2 tháng tuổi tắm được không?
Bạn hoàn toàn có thể tắm cho mèo 2 tháng tuổi. Tuy nhiên, có một số lưu ý khi tắm mèo con như phải dùng nước ấm, thao tác nhẹ nhàng, sử dụng sữa tắm không hương liệu,… Mèo nên được tắm trong nhiệt độ nước ấm khoảng 38 độ C để loại bỏ bụi bẩn, bọ chét, ngăn ngừa các bệnh về da. Tần suất tắm thích hợp dành cho mèo 2 tháng tuổi là mỗi tháng 1 lần, tránh lạm dụng nhiều gây ảnh hưởng đến lớp da tự nhiên dưới lông mèo.
Theo đó, khi tắm cho mèo 2 tháng tuổi, bạn phải thực hiện thật nhẹ nhàng và cẩn thận để tránh làm mèo căng thẳng và luôn cảm thấy thoải mái trong suốt quá trình tắm. Bạn có thể thực hiện theo các bước sau:
- Bước 1: Chọn một thời điểm phù hợp để có đủ thời gian tắm mèo mà không bị gián đoạn
- Bước 2: Đảm bảo rằng bồn tắm hoặc chậu tắm có độ sâu và lượng nước vừa đủ với mèo
- Bước 3: Giúp mèo giữ ấm bằng cách mở vòi nước nóng để làm ấm không khí trong phòng tắm và dùng nước ấm vừa phải
- Bước 4: Sử dụng sữa tắm dành riêng cho mèo thay vì dầu gội cho người để tránh gây kích ứng cho làn da nhạy cảm của mèo
- Bước 5: Dùng một chiếc khăn ấm nhẹ nhàng lau khô mèo khi tắm xong
Da của mèo con còn khá nhạy cảm nên bạn cần phải lưu ý nhiều vấn đề trong việc chọn sữa tắm. Một số sữa tắm cho mèo con mà không làm kích ứng da như: Sữa tắm cho mèo SOS, Sữa tắm cho mèo con Lee&Webster hoặc 8in1 Perfect Coat…
Chăm sóc lông mèo
- Chăm sóc lông mèo sau khi tắm
Khi cho mèo tắm xong, bạn cần lau khô lông mèo càng nhanh càng tốt. Hãy lau bằng khăn lớn, ấm và thấm hút tốt cũng như giữ mèo ở trong phòng ấm trước khi lông mèo khô hoàn toàn. Bạn có thể dùng máy sấy tóc hoặc lồng sấy mèo ở chế độ nhiệt thấp nhất để lông mèo khô nhanh hơn, tránh mở nhiệt độ cao làm mèo bị bỏng. Tuy nhiên, bạn chỉ nên dùng cách này nếu mèo con của bạn đã quen mới tiếng máy sấy, nếu không mèo sẽ cảm thấy hoảng sợ.
- Đồ dùng chăm sóc lông
Để chăm sóc lông mèo, bạn cần có các vật dụng cơ bản sau: kéo tỉa lông, lược tự động gỡ rối, cây lăn lông rụng và lược chải rận. Các dụng cụ này sẽ giúp việc chải lông mèo dễ dàng hơn, giúp gỡ rối, giảm bết và phát hiện bọ chét, ve nhanh chóng.
Bạn hãy chải lông cho mèo con thường xuyên để kiểm tra các ký sinh trùng như bọ chét và ve, đồng thời ngăn ngừa những búi lông có thể tích tụ trong dạ dày. Đối với mèo lông ngắn, bạn hãy chải lông 1 lần/tuần.
Đối với mèo lông dài 2 tháng tuổi, bạn cần chải lông thường xuyên hơn. Khi chải lông, cần bắt đầu thật nhẹ nhàng để mèo làm quen. Chải thuận chiều lông mọc sau đó chải ngược lại để loại bỏ lông rụng và các nút rối nhỏ. Khi đó, nhẹ nhàng tháo các chỗ lông bị rối và không được kéo mạnh tay.
4. Cần lưu ý gì trong cách chăm sóc mèo con 2 tháng tuổi
Mèo 2 tháng tuổi tiêm mũi gì?
Vắc-xin cốt lõi là các loại thuốc cung cấp khả năng miễn dịch chống lại các bệnh nguy hiểm và phổ biến nhất và bạn bắt buộc phải tiêm cho mèo con. Vắc-xin không cốt lõi không bắt buộc và thường được khuyến khích cho mèo 2 tháng tuổi có khả năng tiếp xúc với một số bệnh do vị trí địa lý hoặc lối sống ngoài trời.
Bác sĩ thú y sẽ cho bạn biết mèo con cần bổ sung loại vắc-xin không cốt lõi nào. Việc tiêm chủng bắt đầu khi mèo con được 6 – 8 tuần tuổi và lặp lại sau mỗi 3 – 4 tuần cho đến khi mèo con 4 tháng tuổi. Tiêm chủng định kỳ sẽ bảo vệ mèo con của bạn khỏi các bệnh phổ biến nhất như: bệnh sốt rét ở mèo (giảm bạch cầu), viêm mũi khí quản do virus ở mèo (vi rút herpes), calicivirus và bệnh dại.
Các lưu ý khác khi nuôi mèo
- Bạn có thể nuôi nhiều mèo con cùng một lúc: Mèo con rất thích có bạn để cùng chải chuốt và chơi đùa. Các chú mèo con sẽ bầu bạn với nhau và bạn có thể yên tâm rằng mèo của mình sẽ không bao giờ thấy cô đơn và buồn chán.
- Khi mèo 2 tháng tuổi bạn hãy giới thiệu mèo con với các thú cưng khác.
- Bạn nên chơi với mèo con ít nhất 1 lần/ngày nhằm gắn kết tình cảm, sự thân thiết với mèo. Ban đầu có vẻ mèo sẽ không nhiệt tình hồi đáp. Bạn không cần phải lo lắng, sau 3 tháng, mèo sẽ năng động, hồ hởi chơi với bạn hơn.
- Để mèo 2 tháng tuổi trở nên ngoan ngoãn và hình thành những thói quen tốt, bạn có thể dùng thức ăn và treat thưởng để huấn luyện mèo con.
Bài viết trên đã chia sẻ đến bạn tất cả những thông tin và những điểm cần chú ý khi chăm sóc một bé mèo 2 tháng tuổi. Hy vọng rằng bé mèo của bạn sẽ lớn lên thật khoẻ mạnh. Nếu muốn biết thêm thông tin về mèo, hãy theo dõi Kat Gyrl để cập nhật các bài viết mới nhất nhé.