Tìm hiểu về Mèo nhà: Đặc điểm, Giác quan và Hành vi tiêu biểu

Mèo nhà có tên khoa học là Felis Catus thuộc họ Felidae (Mèo). Đây là loài động vật có vú nhỏ được thuần hóa để làm thú cưng trong nhà. Mèo nhà từ lâu đã trở thành người bạn tốt của con người.

Mèo nhà có cấu tạo cơ thể đặc trưng của họ Felidae như cơ thể dẻo dai, phản xạ nhanh, hàm răng sắc nhọn và móng vuốt có thể thu vào rất thích hợp để bắt chuột. Ngoài ra, mèo nhà có khứu giác phát triển, một đôi mắt nhìn rõ trong bóng tối và tai mèo có thể nghe được những âm thanh ở tần số mà con người không thể nghe. Mèo thường giao tiếp bằng ngôn ngữ cơ thể riêng và các âm thanh như meo meo, gừ gừ, gầm gừ hay xì xì. Mèo tuy sống theo bầy đàn nhưng lại săn mồi đơn độc và hoạt động nhanh nhẹn nhất vào lúc bình minh hoặc hoàng hôn.

Dù là loài vật đã quá quen thuộc với con người nhưng liệu chúng ta đã hiểu rõ về mèo chưa hay ít nhất là về giác quan và hành vi của mèo? Vì sao mèo có những khả năng đặc biệt? Có bao nhiêu giống mèo? Sự thật thú vị về mèo mà có thể bạn chưa biết?

Hãy cùng Kat Gyrl tìm hiểu về nguồn gốc của loài mèo nhà, ngoại hình và đặc điểm thể chất, các giác quan đặc biệt, hành vi điển hình, mối quan hệ với con người và những điều thú vị của loài này nhé.

giới thiệu về loài mèo
Tìm hiểu về giống Mèo nhà – Felis Catus

Mèo xuất hiện ở đâu và từ bao giờ?

Mèo là động vật thuộc lớp Thú, bộ Ăn thịt, họ Mèo (Felidae) – một họ có chung tổ tiên từ 10 đến 15 triệu năm trước. Sau đó, chi Felis (Mèo nhà) tách ra khỏi các họ Felidae khác vào khoảng 6 đến 7 triệu năm trước.

Tổ tiên của mèo nhà được xác định là giống mèo hoang tên Felis Silvestris Lybica xuất hiện ở hai khu vực và hai thời điểm khác nhau trong lịch sử. Một là ở vùng Cận Đông – Iraq, Syria, Lebanon và Israel ngày nay – từ thời kỳ Đồ đá mới và hai là ở Ai Cập cổ đại thời kỳ Cổ điển, trích theo lời nhà nghiên cứu Claudio Ottoni.

(Nguồn: Library of Congress)

Lúc đầu, các nhà khoa học cho rằng mèo bắt đầu được thuần hóa vào thời Ai Cập cổ đại cách đây khoảng 4000 năm. Tuy nhiên, việc thuần hóa có thể đã bắt đầu từ 9500 năm trước theo các nghiên cứu mới nhất và được công bố ở tờ báo NBCNews.

Không giống như loài chó được lai tạo nhằm phục vụ những mục đích nhất định của con người, mèo không trải qua quá trình tiến hóa đáng kể về cấu tạo và hành vi trong suốt thời gian thuần hóa. Có thể nói rằng, mèo vốn đã hoàn hảo ngay từ khi con người tìm thấy chúng. Do vậy, mèo nhà vẫn có khả năng sống tốt trong môi trường hoang dã. (Nguồn: The New Yorker)

Từ “Cat” trong tiếng Anh (hay Catt trong tiếng Anh cổ) được cho là bắt nguồn từ “Cattus” trong tiếng Latinh và sử dụng lần đầu vào thế kỷ thứ VI. Còn trong tiếng Việt, “mèo” được người Việt gọi theo âm thanh tiếng kêu “meo meo” của chúng.

Bên cạnh giống mèo nhà đã được thuần hóa thì vẫn còn những giống mèo rừng như mèo vịnh Borneo, mèo vàng châu Á, mèo cẩm thạch,… giữ được nhiều nét hoang dã.

nguồn gốc của mèo
Ngoài mèo nhà đã được thuần hoá thì vẫn còn mèo rừng hoang dã

Ngoại hình và đặc điểm thể chất

Mèo nhà có hình dáng nhỏ nhắn và cơ thể khá cân đối với đầu tròn, tai vểnh hình tam giác, mũi hồng, ria mép dài, thân thon dài và đuôi cong.

Các loại mèo khác nhau thường có những đặc điểm cơ thể riêng biệt, bao gồm sự đa dạng về lông (có thể là lông ngắn, lông dài hoặc không có lông), chiều dài chân, hình dạng tai, hoa văn trên lông, và đa dạng về màu sắc.

  • Tuổi thọ

Tuổi thọ trung bình của mèo là từ 13-17 năm. Theo Guinness World Records, chú mèo già nhất từng sống tên là Creme Puff ở Mỹ, qua đời ngày 4/8/2004 với tuổi thọ là 38 năm 3 ngày. Các yếu tố ảnh hưởng đến tuổi thọ của mèo bao gồm giống mèo, dinh dưỡng, sức khỏe và lối sống.

Do đó, để tăng tuổi thọ của mèo bạn có thể chọn giống mèo sống lâu, cung cấp chế độ dinh dưỡng phù hợp, thường xuyên cho mèo vận động, tiêm phòng đầy đủ và thăm khám định kỳ.

  • Kích thước

Mèo nhà có kích thước nhỏ hơn mèo rừng. Thông thường một chú mèo dài khoảng 46-51 cm (1’6’’ – 1’8’’), nặng khoảng 2,5 – 7 kg (5,5-16 pounds), cao từ 23 – 25 cm (9’’ – 10’’) và đuôi dài khoảng 30 cm (11’’). Mèo đực thường lớn hơn mèo cái một chút do có lượng testosterone cao hơn giúp tăng sự phát triển của cơ và xương.

Có sự chênh lệch kích thước giữa các giống mèo khác nhau, có thể gấp đôi hoặc gấp ba lần tùy theo giống loài. Ví dụ Maine Coon là giống mèo lớn nhất thế giới với chiều dài lên tới 97 cm (38”), chiều cao từ 25 – 41 cm (10″ – 16′”) con đực nặng từ 8,2 – 10,0 kg (18-22 pounds), con cái nặng từ 5,4 – 6,8 kg (12″ -15″).

Vào năm 2010, Kỷ lục Guinness thế giới đặc biệt ghi nhận một con mèo Maine Coon có tên “Stewie” là chú mèo dài lớn nhất thế giới với chiều dài 123 cm (48,5”) hay chú mèo nhà cao nhất còn sống là Fenrir Antares Powers (Mỹ), có chiều cao 47,83 cm (18,83’’). Nguyên nhân của các trường hợp này có thể là do di truyền hoặc đột biến gen.

Ngược lại, có một số giống mèo nhà lại khá nhỏ, điển hình là mèo Singapura với 1,8 kg (4,0 pounds) – con cái, trong khi con đực là 2,7 kg (6,0 pounds) và chiều dài từ 23 – 30 cm (9” – 12”). Có một giống mèo thuộc dạng nhỏ nhất thế giới là Mèo Đốm Gỉ (Rusty Spotted Cat), nhưng đây là 1 giống mèo rừng.

Các giống mèo có kích cỡ to vượt trội hơn so với chỉ số trung bình kể trên có thể đang mắc chứng thừa cân. Mèo bị thừa cân dễ trở nên chán nản, ít vui đùa, khó thở và mắc các bệnh như tiểu đường, xương khớp, gan,… Bạn có thể kiểm soát chế độ ăn của mèo như tăng chất xơ, giảm tinh bột cũng như khuyến khích mèo vận động để giảm cân.

cấu tạo cơ thể mèo là khác nhau ở mỗi giống
Mỗi giống mèo sẽ có các kích thước khác nhau
  • Bộ xương

Theo Wikipedia, mèo có tổng cộng 500 cơ xương bao gồm 7 đốt sống cổ, 13 đốt sống lưng, 7 đốt sống hông, 2 đốt sống vùng khum và 14-28 đốt sống đuôi. Ngoài ra, mèo có 13 đốt sống ngực (ở người là 12).

Nhờ vào việc có thêm các đốt sống ngực và đốt sống thắt lưng, mèo sở hữu một chiếc cột sống linh hoạt và cơ động hơn con người. Mèo có thể cuộn tròn cơ thể hoặc “giảm sóc, giảm nhẹ sang chấn” khi rơi từ độ cao nguy hiểm.

Bên cạnh đó, không giống như cánh tay của con người, chi trước của mèo được gắn vào vai bằng xương đòn nổi. Đó là lý do mèo có thể đi qua những nơi nhỏ hẹp có chiều rộng chỉ bằng đầu của chúng.

Mèo có số lượng các đốt sống tương tự như chó nhưng xương đốt sống của chúng có độ đàn hồi ở đĩa đệm nhiều hơn cũng như các đốt sống gắn với nhau lỏng hơn nên mèo không gặp các vấn đề về lưng mà chó thường mắc phải và cũng linh hoạt hơn (Nguồn: The Wildest).

Số lượng đốt xương ở mèo không thay đổi theo thời gian, trung bình một chú mèo có 244 xương, dao động trong khoảng 230-250 xương tùy thuộc vào độ dài đuôi và số ngón chân mèo (Nguồn: ViaGen Pets).

khung xương mèo với rất nhiều những đốt sụn và mảnh xương
Mèo có khung xương với rất nhiều những đốt và mảnh xương nhỏ
  • Răng và hàm:

Hộp sọ của mèo không giống các loài động vật có vú khác vì có hốc mắt rất lớn và một bộ hàm đặc biệt mạnh mẽ. Mèo trưởng thành có 30 chiếc răng, bao gồm:

    • 12 răng cửa: 6 ở hàm trên và 6 ở hàm dưới giúp mèo giữ con mồi và cắt thức ăn.
    • 4 răng nanh: 2 ở hàm trên và 2 ở hàm dưới giúp mèo nghiền thức ăn, tự vệ và săn mồi.
    • 10 răng hàm nhỏ: 6 ở hàm trên và 4 ở hàm dưới giúp mèo nhai thức ăn.
    • 4 răng hàm: 2 ở hàm trên và 2 ở hàm dưới giúp mèo nhai thức ăn.

Răng và hàm của mèo được cấu tạo để bắt con mồi và xé thịt. Khoảng cách giữa răng nanh của mèo nhà hẹp hơn các loài mèo khác vì chúng được thay đổi để thích nghi với việc bắt những con mồi nhỏ. Răng nanh và răng hàm của mèo hoạt động như một chiếc kéo giúp cắt thịt thành từng miếng nhỏ. Răng mèo tốt hơn răng người nhờ vào lớp men bảo vệ dày, nước bọt ít gây hại, ít giữ thức ăn thừa ở răng và chế độ ăn của mèo gần như không đường.

(Nguồn: The new basic book of the cat)

bộ xương hàm ở mèo
Bộ xương hàm ở mèo

Tuy nhiên, mèo thỉnh thoảng có thể bị mất răng do một số nguyên nhân sau:

  • Bệnh nha chu: Viêm nướu sẽ tiến triển đến bệnh nha chu nghiêm trọng, khiến các mô và xương nâng đỡ xung quanh răng bị thoái hóa và dẫn đến mất răng.
  • Tiêu xương răng: Tiêu răng là quá trình các phần cứng của răng như men răng và ngà răng bị xói mòn và không thể hồi phục.
  • Chấn thương miệng: Mèo có thể bị mất răng do chấn thương và tai nạn.
  • Răng khôn: Mèo có thể có răng khôn nằm dưới nướu trong quá trình thay răng và bắt buộc phải nhổ.

(Nguồn: The Vet Dentist)

Mèo cũng thay răng sữa như người. Quá trình mọc răng bắt đầu ở mèo con vào khoảng 10 tuần đến 6 tháng tuổi, răng sữa được thay thế bằng răng cửa vĩnh viễn. Khi được khoảng 6 – 7 tháng tuổi, chúng sẽ mọc đủ 30 chiếc răng. (Nguồn: VCA Animal Hospitals)

Ba bệnh răng miệng phổ biến nhất ở mèo là viêm nướu, viêm nha chu và tiêu răng. Bệnh răng miệng ở mèo có thể gây đau đớn và khó chịu. Bạn có thể phòng ngừa bằng cách thường xuyên chải răng cho mèo và đưa mèo đi lấy cao răng định kỳ. (Nguồn: Cornell Feline Health Center)

  • Móng vuốt

Theo Wikipedia, móng vuốt của mèo có thể phóng ra và thu vào. Hầu hết mèo có 5 móng ở bàn chân trước4 móng ở bàn chân sau. Trong trạng thái bình thường, các móng sẽ được bao bọc bằng da và lông xung quanh miếng đệm thịt. Việc này giúp mèo rình mồi trong im lặng cũng như giúp móng vuốt hạn chế bị mài mòn khi phải liên tục tiếp xúc với mặt đất.

Móng vuốt ở chân trước có nhiệm vụ săn mồi nên cần sắc bén hơn trong khi móng sau chỉ hỗ trợ leo trèo, đào bới, hỗ trợ đứng nên không sắc bén bằng nhưng đổi lại sẽ có lực mạnh mẽ hơn. Một số chú mèo còn có móng huyền đề (móng phụ ở bàn chân trước) không có chức năng đi lại, thay vào đó, nó giúp mèo không bị trượt khi nhảy.

Mèo có thể mở rộng móng vuốt của mình ở một hoặc nhiều bàn chân để săn mồi, tự vệ, leo trèo, nhào lộn hoặc để tăng thêm độ bám trên các bề mặt mềm. Mèo cũng thường làm bong lớp vỏ bên ngoài móng vuốt của mình khi gãi vào các bề mặt gồ ghề.

Móng vuốt của mèo được làm từ một loại protein gọi là keratin, chất tương tự tạo nên tóc và móng tay của con người. Móng mèo sẽ liên tục mọc dài với tốc độ khoảng 1mm mỗi tuần và nên được cắt bớt trong 2 – 4 tuần/lần.

Móng vuốt ở mèo
Mèo có bộ móng sắc bén làm tạo nên từ Keratin
  • Bộ lông

Lông mèo bao gồm ba loại lông: Lông bảo vệ, lông mái và lông tơ. (Nguồn: Explore Cats))

    • Lông bảo vệ là những sợi lông dài nhất và dày nhất bảo vệ mèo khỏi nước, bụi bẩn và ký sinh trùng.
    • Lông mái là những sợi lông có độ dài vừa phải nằm ở lớp giữa của bộ lông giúp chúng cách nhiệt và điều chỉnh nhiệt độ cơ thể.
    • Lông tơ là những sợi lông ngắn, nhẹ và đẹp nhất tạo thành lớp bên trong của bộ lông để giữ ấm cho mèo.

Lông mèo cũng có thể có nhiều màu sắc khác nhau như đen, trắng, xám, nâu, đỏ, kem hoặc xanh. Những màu sắc được quyết định bởi các sắc tố gọi là melanin. (Nguồn: Cats.com).

Thay lông là điều bình thường ở mèo, cường độ và tần suất thay lông có thể khác nhau tùy thuộc vào giống, kích thước, di truyền và môi trường của mèo.

Mèo hoang hoặc sống ngoài trời thay lông nhiều vào mùa xuân và mùa thu khi sự thay đổi về ánh sáng ban ngày và nhiệt độ có thể kích hoạt nội tiết tố ảnh hưởng đến nang lông của chúng. Trong khi đó, mèo nuôi trong nhà có thể thay lông đều đều cả năm vì chúng ít tiếp xúc với môi trường tự nhiên. Một số vấn đề có thể xảy ra với lông mèo như:

    • Ký sinh trùng như bọ chét, ve, rận và gây kích ứng da mèo, gây ngứa, rụng lông.
    • Khi mèo thay lông nhưng bị kẹt lại quá nhiều có thể tạo thành các mảng lông rối.
    • Mèo tự làm sạch bằng cách liếm lông và dẫn đến tắc búi lông ở ruột.

Để ngăn ngừa những trường hợp này, bạn nên thường xuyên chải lông cho mèo, đặc biệt là mèo lông dài. (Nguồn: Vets for Pets)

Các giác quan của mèo nhạy đến mức nào?

Thị giác tinh tường trong bóng đêm

Mèo có khả năng nhìn trong bóng tối rất tuyệt vời. Chúng có thể nhìn thấy vật thể trong độ sáng chỉ bằng 1/6 so với độ sáng mà con người cần để nhìn rõ.

Điều này là nhờ tape lucidum có trong mắt mèo của mèo – một lớp mô trong mắt có thể phản chiếu ánh sáng đi qua võng mạc trở lại mắt. Chất này làm tăng ánh sáng có sẵn cho các cơ quan thụ cảm ánh sáng. Mèo nhà có đồng tử khe (hay đồng tử dạng dọc) và sẽ mở ra rất lớn khi gặp ánh sáng yếu để tận dụng tối đa nguồn ánh sáng sẵn có.

Tuy nhiên mèo nhà cũng có nhược điểm là thị lực màu sắc kém, không phân biệt rõ màu đỏ và màu xanh lá cây, ngược lại có thể nhìn rõ màu xanh lam và xanh lục ngả vàng. Chúng cũng không giỏi nhìn các vật bất động hay ở quá gần nhưng mèo có râu và ria để cảm nhận về các chuyển động cận cực nhạy.

(Nguồn: Wikipedia)

đặc điểm của mèo là đôi mắt sáng trong bóng tối
Đồng tử mèo mở to trong bóng tối

Thính giác phi thường

Mèo nghe được dải tần số cực rộng từ 55 Hz đến 79 kHz và thính nhất trong khoảng 500 Hz đến 32 kHz, trong khi con người chỉ có thể nghe tần số trong khoảng từ 20 Hz đến 20 kHz.

Thính giác của mèo nhà vô cùng nhanh nhạy là nhờ vào đôi tai chóp nhọn của chúng. Một đôi tai lớn và có thể cử động giúp khuếch đại âm thanh mèo nghe được và xác định vị trí của nguồn phát. Tai mèo cũng có thể nghe đến 10,5 quãng tám, tức là cao hơn cả người và chó. Nhờ vào khả năng nghe được siêu âm, mèo dễ dàng phát hiện được chuột dù chúng đang ẩn nấp sâu ở các ngóc ngách trong nhà.

(Nguồn: Wikipedia)

Khứu giác nhạy bén

Mèo có khứu giác nhạy bén một phần nhờ vào hành khứu giác phát triển tốt và bề mặt niêm mạc khứu giác lớn – có diện tích khoảng 5,8 cm2 – gấp khoảng hai lần của người. Ngoài ra, vòm họng của mèo có vomeronasal (cơ quan xương lá mía) giúp chúng xác định mùi hương khi há miệng ra.

Nhiều chú mèo phản ứng mạnh mẽ với thực vật có chứa nepetalactone đặc biệt là catnip (bạc hà mèo). Nguyên nhân có thể là do mùi của những loại cây này giống với pheromone và kích thích các hành vi xã hội hoặc tình dục của mèo. (Nguồn: Wikipedia)

Nhờ khứu giác nhạy bén, mèo có thể phát hiện con mồi cực kỳ nhanh cũng như nhận ra mùi hương của bạn bè và gia đình và nhận biết cảm xúc của những con mèo khác bằng cách ngửi mặt chúng. Chúng cũng có thể phân biệt được lãnh thổ và xác định bạn tình phù hợp khi ngửi mùi pheromone của các con mèo khác. (Nguồn: AnimalPath.org)

cấu tạo cơ thể mèo có mũi rất thính
Mèo có thể ngửi bằng mũi và khi há miệng

Tốc độ phản xạ cực nhanh

Mèo có khoảng 12 chiếc râu có thể nhúc nhích được ở mỗi bên miệng để có thể cảm nhận và phản xạ nhanh nhẹn. Râu trên mặt mèo có thể đo lường không gian hẹp và phát hiện được động tĩnh của vật thể trong bóng tối kể cả khi không cần chạm vào mà chỉ bằng những thay đổi nhỏ trong không khí.

Ngoài ra, những cọng râu phía sau chân trước của mèo giúp chúng cảm nhận được con mồi, còn râu gần mắt có nhiệm vụ kích thích chớp mắt để bảo vệ khi có vật lạ đến gần. (Nguồn: Wikipedia)

Bạn không nên cắt râu mèo vì râu rất quan trọng đối với nhận thức giác quan, khả năng định hướng, giao tiếp và khả năng giữ thăng bằng của mèo.

Râu mèo giúp mèo xác định vị trí của vật thể. Chúng có tác dụng như một thiết bị đinh vị GPS giúp hỗ trợ dò đường đi, hướng gió khi con ngươi thu nhỏ đặc biệt là đo tốc độ chuyển động của con mồi khi chúng nhắm mắt.

Việc cắt râu có thể khiến mèo cảm thấy mất phương hướng, bối rối, căng thẳng và bất an. Râu mèo có thể tự rụng và mọc râu mới. Nếu bạn cắt râu mèo thì chúng vẫn có thể mọc lại sau khoảng 11 ngày. (Nguồn: Rover & Bluecross)

Mèo là loài phản xạ cực kỳ nhanh. Mèo có thời gian phản ứng dao động từ 20 đến 70 mili giây, ngắn hơn thời gian phản ứng của rắn là từ 44 đến 77 mili giây. Do đó nếu mèo và rắn đánh nhau thì khả năng cao mèo sẽ chiến thắng. (Nguồn: PetBouncy.com)

tốc độ phản xạ của mèo nhanh hơn rắn
Rắn không có cơ hội trước phản xạ của mèo

Hành vi điển hình của loài mèo

Mèo hoạt động mạnh nhất vào lúc bình minh và hoàng hôn vì chúng là loài săn mồi vào thời điểm này và có khả năng nhìn rất tốt trong điều kiện ánh sáng yếu. Đây là đặc điểm tương đồng của cả mèo rừng và mèo nhà. Ngoài ra, mèo có thể bị ảnh hưởng bởi lối sống của chủ nhân về kiểu hoạt động, thói quen ngủ, bản năng săn mồi và hành vi giao tiếp xã hội.

(Nguồn: AnimalPath.org & American Animal Hospital Association)

Không gian tối thiểu cho một con mèo là khoảng 1,67 m2. Tuy nhiên, đây chỉ không gian thực tế mà mỗi con mèo cần có thể khác nhau tùy thuộc vào giống, tính cách và mức độ hoạt động. Đối với một chú chó có kích cỡ tương đương thì mèo cần một không gian sống rộng hơn, vì chó chỉ cần khoảng 0,5 m2. Nếu nhà của bạn có không gian nhỏ hẹp, bạn có thể áp dụng một số cách sau đây để mèo thấy thoải mái hơn:

  • Giữ nhà cửa luôn sạch sẽ
  • Tạo các nơi ẩn náu cho mèo như hộp các tông, giường mèo
  • Thường xuyên chơi đùa với mèo
  • Sắp xếp nội thất để mèo có nơi leo trèo

(Nguồn: AnimalPath.com & USDA).

Mèo cần không gian rộng, sạch sẽ
Mèo thích không gian sạch sẽ và rộng rãi

Mèo nhà có tính độc lập cao. Đặc điểm này giúp mèo trở thành thú cưng phổ biến nhất vì dễ chăm sóc, có thể thích nghi với không gian nhỏ, sạch sẽ, có thể tự chăm sóc bản thân nhưng vẫn thoải mái khi chơi đùa với con người. (Nguồn: Psychology Today).

Mèo sử dụng các âm thanh khác nhau để truyền tải những thông điệp khác nhau và mỗi âm thanh có ý nghĩa và âm điệu khác nhau, tùy thuộc vào ngữ cảnh và tâm trạng của mèo.

Ví dụ: Tiếng “gừ gừ” thường biểu thị sự hài lòng, tiếng rít là một lời cảnh báo, tiếng gầm gừ là dấu hiệu của sự tức giận hoặc sợ hãi,… Ngoài ra, mèo cũng dùng ngôn ngữ cơ thể và nét mặt để giao tiếp như đuôi để cao là đang hạnh phúc, tai hướng về phía trước thể hiện sự tò mò, mắt mở to khi phấn khích,… (Nguồn: Wikipedia)

Hành vi phổ biến nhất của mèo là ngủ và chải chuốt. Mèo ngủ rất nhiều, một ngày của mèo bao gồm hơn 15 – 16 giờ để ngủ và ngủ gật, 4 – 6 giờ chải lông và chơi đùa, thời gian còn lại để săn mồi, ăn uống và khám phá. (Nguồn: Cats International)

Chải chuốt và giữ vệ sinh

Có một sự thật là một chú mèo trưởng thành dành đến một nửa thời gian thức để làm sạch cơ thể. Chúng cũng thường làm sạch cho nhau như một hoạt động xã hội để gắn kết hơn. Mèo liếm lông và dùng đệm bàn bàn chân trước mềm mại để thấm nước bọt giống như thấm nước vào vải để tắm rửa. Gai trên lưỡi mèo hoạt động như một chiếc lược giúp chúng chải chuốt và vệ sinh.

Giống như móng chân mèo, những chiếc gai ở lưỡi được cấu thành từ keratin. Mèo thường xuyên chải lông bằng lưỡi nên mèo dễ bị tích tụ các cục lông trong bụng và thỉnh thoảng làm chúng bị nôn. Người nuôi có thể ngăn chặn việc này bằng cách thường xuyên chải lông bằng lược cho mèo.

Mèo rất thích chải chuốt và giữ vệ sinh, vậy nên câu nói “rửa mặt như mèo” người Việt hay dùng là không hợp lý. Có thể người ta đã nhầm vì thường thấy mèo có gỉ ở mắt. Điều này là do cơ chế tự nhiên của mắt mèo. Các tuyến lệ tiết chất dịch mắt dưới bàn mắt của mèo giúp bảo vệ mắt khỏi bụi bẩn và vi khuẩn. Tuy nhiên, một số con mèo có thể sản xuất nhiều dịch mắt hơn so với mức cần thiết, dẫn đến việc chất dịch này có thể dàn thành các vết bã dưới mắt mèo. Vị trí mắt khó cho mèo để vệ sinh.

(Nguồn: Wikipedia)

tập tính của mèo là liếm lông vệ sinh có thể
Mèo dùng lưỡi để vệ sinh cơ thể

Thích ở nơi cao

Hầu hết các giống mèo đặc biệt thích leo trèo và ngồi ở những nơi cao. Nguyên nhân có thể là vì vị trí cao giúp mèo quan sát và săn mồi tốt hơn. Mèo có thể tiếp đất một cách nhẹ nhàng từ độ cao đến 3 mét nhờ vào đuôi và bàn chân đặc biệt. Da trên chân mèo dày hơn ở những phần khác và miếng đệm thịt ở chân trước hoạt động giống như phanh, đồng thời giảm chấn động tối đa khi đáp xuống đất.

Đuôi là công cụ để mèo giữ thăng bằng khi ngồi vắt vẻo trên cao hay khi chạy quanh những chỗ rẽ để bắt chuột.

đặc điểm của con mèo nhà rất thích trèo cao
Mèo thích leo trèo và ngồi ở nơi cao

Tập tính kiếm ăn của mèo

Một số loài mèo có thể chạy quãng ngắn đến 30 mph (48,28 km/h) nhanh hơn tốc độ trung bình của chó với  25 mph (40,23 km/h) và người 7mph (12 km/h) nhưng chậm hơn nhiều so với báo săn cùng họ mèo có tốc độ lên đến 75 mph (120 km/h). (Nguồn: KittyClysm)

Nhờ vào tứ chi nhanh nhẹn và các giác quan phát triển, mèo có khả năng săn mồi đáng nể. Mèo có hai kiểu bắt mồi, một là chủ động rình mồi, hai là đợi đến khi con mồi đến gần và phục kích (Nguồn: Wikipedia).

Nhờ có tốc độ phản xạ nhanh, móng vuốt sắc bén và thị giác tinh tường mà mèo có thể rình rập và nhanh chóng vồ lấy những con mồi di chuyển nhanh như chim hoặc sóc. Trong khi đó, thính giác nhạy bén, đệm thịt giúp di chuyển không phát ra tiếng động, khứu giác và râu nhạy cảm giúp mèo ẩn nấp dễ dàng và phục kích những con mồi chậm và khó nhận biết như chuột hoặc côn trùng.

Mèo nhà và mèo rừng có sự khác biệt trong việc lựa chọn thức ăn. Mèo rừng chủ yếu ăn thịt của loài gặm nhấm và chim để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của loài ăn thịt. Trong khi đó, mèo nhà đã thích nghi khi sống với con người nên chúng có thể ăn đa dạng hơn bao gồm cả thịt và thực vật. Mèo nhà cũng có thể bắt mồi để giải trí hoặc khi chúng tò mò nhưng không phải lúc nào cũng để ăn thịt con mồi. (Nguồn: Live Science & Pet Lifey)

Mèo lựa chọn thức ăn dựa vào nhiệt độ, mùi hương và kết cấu. Chúng thích thức ăn ẩm giàu axit amin như thịt và không thích đồ ướp lạnh. Mèo trưởng thành không thích đồ ngọt và sữa vì đường trong sữa có thể gây khó tiêu và tiêu chảy. Ngoài ra, cấu tạo của má mèo không phù hợp để hút chất lỏng nên chúng uống nước bằng cách dùng lưỡi liếm với tốc độ 4 lần/giây.  (Nguồn: Wikipedia)

tập tính của loài mèo là thích ăn thịt
Mèo uống bằng lưỡi và thích thức ăn giàu axit amin như thịt

Mèo sinh sản như thế nào?

Mèo cái có nhiều chu kỳ động dục trong một năm, mỗi chu kỳ thường kéo dài 21 ngày. Chúng thường giao phối từ đầu tháng 2 đến tháng 8 ở vùng ôn đới phía bắc và quanh năm ở vùng xích đạo. Thời gian mang thai của mèo cái kéo dài từ 64 đến 67 ngày, trung bình là 65 ngày. Mỗi lứa sinh của mèo cái có từ 4 đến 6 con, trung bình là 3 con.

Vì sự rụng trứng không phải lúc nào cũng xảy ra thông qua lần giao phối đầu tiên nên con cái có thể giao phối với nhiều con đực trong chu kỳ động dục. Kết quả là, những con mèo con trong một lứa có thể có những người bố khác nhau.

Tỷ lệ sống sót của mèo con khi được sinh ra là khoảng 70-85%. Điều này nghĩa là trong một lứa mèo có từ 3 đến 5 con, có khả năng 1 chú mèo con sẽ không vượt qua được. Tỷ lệ sống sót của mèo con có thể cải thiện nếu chúng  được chăm sóc và có chế độ dinh dưỡng thích hợp. (Nguồn: Pet Keen)

Mèo đực thường dậy thì khi được 5 đến 7 tháng tuổi với các dấu hiệu như đánh dấu lãnh thổ bằng nước tiểu, có xu hướng đi tìm bạn tình, đánh nhau với những con mèo đực khác và phát triển tinh hoàn lớn hơn cũng như phần má rộng hơn. Trong khi đó, mèo cái dậy thì vào khoảng 6 đến 12 tháng tuổi. Khi mèo cái dậy thì và bắt đầu động dục, chúng có thể  lăn lộn trên sàn, kêu meo meo, cọ xát vào đồ vật hoặc người, tỏ ra thích thú với mèo đực cũng như có thể bị sưng âm hộ và chảy máu nhẹ. (Nguồn: Cats.com).

Mèo không có chu kỳ kinh nguyệt như con người nên chúng không mãn kinh. Mèo cái trải qua chu kỳ động dục thường xuyên khoảng 2-3 tuần một lần và quá trình này diễn ra suốt đời. Để ngăn chặn việc giao phối và sinh con không mong muốn, bạn có thể đưa mèo đi thực hiện thủ thuật triệt sản. (Nguồn: The Spruce Pets & Bond Vet).

mèo mang thai bao lâu
Mèo con trong cùng một lứa có thể có những người bố khác nhau

Mèo chơi đùa và thư giãn

Chơi đùa và thư giãn cũng là một trong những tập tính của loài mèo. Chơi đùa là hành vi rất quan trọng trong việc giúp mèo con học cách rình rập và bắt mồi. Mèo thích chơi với những đồ vật giống con mồi, chẳng hạn như những đồ chơi lông nhỏ và di chuyển nhanh.

Mèo thích chơi và tương tác với con người, thậm chí thích hơn cả thức ăn. Mèo có thể tự thư giãn, dành thời gian cho bản thân chúng mà không cần người khác. Chúng sẽ ngồi im một chỗ, nhìn vào khoảng không và suy ngẫm. Mèo cũng ngủ rất nhiều, trung bình ngủ mỗi ngày từ 16 – 18 tiếng là chuyện vô cùng bình thường (Theo kết quả nghiên cứu của Krystin Vitale – tiến sĩ về Hành vi Động vật tại đại học Bang Oregon).

mèo thích chơi đồ chơi có lông
Mèo thích chơi với đồ vật có lông nhỏ và di chuyển nhanh

Mối quan hệ mèo với người

  • Ngoài khả năng bắt chuột, mèo có khả năng hỗ trợ và giúp đỡ cho những người bị trầm cảm, sa sút trí tuệ hoặc trẻ em chậm phát triển vì tiếp xúc và tương tác với mèo giúp tình trạng của người bệnh chuyển biến tốt hơn (về mặt tinh thần).
  • Tuổi thọ của mèo dao động từ 12 – 18 năm (đối với mèo đã thuần hóa). Trong suốt khoảng thời gian này, mèo sẽ trở thành một người bạn đồng hành tuyệt trong từng giai đoạn của cuộc đời con người, khi còn bé, khi trưởng thành hay cả khi già đi.
  • Trong quá khứ, một số tôn giáo cổ xưa tin rằng mèo là linh hồn thiêng liêng, người bạn đồng hành và người dẫn đường cho con người. Ở Ai Cập và Nhật Bản, mèo là biểu tượng của thần linh và là sự may mắn.
  • Mèo cũng mang lại rất nhiều lợi ích sức khỏe cho con người như giảm stress, bảo vệ tim mạch, giảm nguy cơ đột quỵ,… Để biết mèo có lợi cho sức khỏe thế nào, bạn có thể xem qua bài viết 10 lợi ích khi nuôi mèo đối với sức khỏe tinh thần và thể chất con người.
lợi ích của việc nuôi mèo
Thường xuyên chơi đùa với mèo có lợi rất nhiều cho thể chất và tinh thần

Các giống mèo cảnh phổ biến hiện nay

Các giống mèo phổ biến nhất thế giới theo Bảo hiểm Động vật Agria (2021) bao gồm:

Ở Việt Nam thì các giống mèo ta phổ biến là mèo mướp (mèo vằn), mèo tam thể, mèo quýt, mèo đen và các giống mèo nhập thường gặp là mèo Anh lông ngắn, mèo tai cụp, mèo Xiêm, mèo Anh lông dài, mèo Ai Cập, mèo Ba Tư, mèo munchkin,…

các giống mèo phổ biến
Có 9 loại mèo phổ biến nhất thế giới theo Bảo hiểm Động vật Agria (2021)

5 điều thú vị chỉ riêng loài mèo có

1. Mèo rừ rừ

Tiếng rừ rừ hay gừ gừ của mèo có năng lực chữa lành, giúp chúng bình tĩnh hơn, giảm đau và nhanh hồi phục. Mèo thở gừ gừ khi lo lắng, khi vui và cũng cười gượng gạo khi không thoải mái. Độ rung từ tiếng rừ rừ không chỉ có tác dụng với mèo mà còn với người ôm mèo, nó làm chậm quá trình tiết hormone, giảm căng thẳng và an thần từ đó giảm các nguy cơ về tim mạch và cân bằng hô hấp, huyết áp.

2. Truyền thuyết về mèo thần

Thời Ai Cập cổ đại, người Ai Cập tôn thờ mèo vì chúng giúp họ khỏi nạn chuột và rắn để bảo vệ mùa màng. Thần Bastet – vị thần hộ mệnh cho trái tim và bí mật của những người phụ nữ – cũng mang hình dáng của một người phụ nữ với cái đầu mèo. Ở Nhật, mèo thần tài hay Maneki-Neko mang ý nghĩa của sự may mắn và thịnh vượng. Nguồn gốc của truyền thuyết này bắt nguồn từ việc chú mèo Tama ở đền Gotokuji đã cứu mạng lãnh chúa Nakaota, từ đó ông trở thành người bảo trợ của ngôi đền và khi Tama chết người dân đã làm tượng để tưởng nhớ.

3. Mèo có trí nhớ kéo dài đến 10 năm

Não bộ của mèo có đến 90% giống não người với khoảng 300 triệu nơ ron thần kinh, gần gấp đôi so với chó. Mèo có năng lực quan sát và thực hành những gì học được như bấm chuông, mở cửa hay bật đèn. Mèo có ký ức kéo dài đến 10 năm và luôn liên kết với sự việc hoặc cảm xúc tại thời điểm đó ví dụ cảm giác sợ hãi khi đến phòng khám thú y.

(Nguồn: Sách Chiếc mèo kỳ diệu và Báo VietnamNet)

4. Mèo có sợ dưa chuột?

Mèo thật sự dưa chuột vì 3 nguyên nhân sau:

  • Mèo nghĩ đó là rắn: Mèo nhìn thấy một vật thon dài có màu sẽ liên tưởng đến rắn nên chúng thấy sợ hãi.
  • Hình dáng thon dài kỳ lạ: Mèo thấy quen thuộc với những vật tròn như quả bóng nên với loại trái cây có hình dáng lạ lẫm như dưa chuột cũng làm chúng giật mình.
  • Dưa chuột màu xanh: Một số chú mèo sẽ thấy nhạy cảm và không yên tâm khi nhìn thấy màu xanh lá cây, có thể là vì thị lực kém, không phân biệt rõ màu sắc này khiến chúng cảm thấy mất an toàn.

Các chuyên gia khuyên rằng không nên dọa mèo bằng dưa chuột. Mèo không giống như người có thể hiểu ra trò đùa và quên đi, chúng sẽ gặp căng thẳng rất nhiều và gây ra các vấn đề về sức khỏe và hành vi.

(Nguồn: Reader’s Digest)

5. Mèo có đánh rắm không?

Mèo có đánh rắm giống như nhiều loài động vật khác khi khí bên trong đường tiêu hoá thoát ra khỏi trực tràng. Mèo thường đánh rắm không phát ra nhiều tiếng động và không mùi. Chúng có thể đánh rắm do bị đầy hơi, ăn thức ăn không phù hợp, ăn quá nhiều và quá nhanh hoặc bị dị ứng thức ăn. Nếu mèo của bạn có các triệu chứng liên tục như nôn mửa, đầy hơi, phân có máu, rắm có mùi hôi và không chịu ăn uống, bạn nên đưa ngay đến bác sĩ thú y để được thăm khám.

(Nguồn: WebMD)

Mèo có thể bị nhiễm Covid-19 không?

Mèo cũng bị nhiễm Covid-19 và truyền bệnh cho những con mèo khác. Mèo có thể đã nhiễm virus từ người có có các triệu chứng liên quan đến hô hấp từ nhẹ đến nặng.

Ngược lại, chưa có bằng chứng cho thấy mèo có thể lây Covid-19 cho người hoặc trở thành nguồn nhiễm bệnh. Để bảo vệ an toàn cho mèo và bản thân khỏi lây nhiễm, bạn có thể thực hiện một số điều như rửa tay trước và sau khi vuốt ve mèo, đừng hôn hoặc để mèo liếm bạn, rửa chân mèo khi chúng đi từ bên ngoài về, thường xuyên làm sạch bát thức ăn, nước uống,…

(Nguồn: WebMD)

Có nên nuôi mèo không?

Mèo cũng mang lại rất nhiều lợi ích sức khỏe cho con người như bảo vệ tim mạch, cải thiện giấc ngủ, ngắn ngừa chứng tăng huyết áp, giảm stress, giảm nguy cơ đột quỵ,… Khi bắt đầu nuôi một chú mèo, bạn sẽ cần chuẩn bị một số vật dụng cần thiết như giường ngủ, thức ăn, khay đựng thức ăn nước uống, đồ dùng vệ sinh, đồ chơi, đồ dùng di chuyển mèo và đồ chăm sóc lông.

Bạn có thể tìm hiểu chi tiết các đồ dùng cần chuẩn bị để nuôi mèo ở bài viết Nuôi mèo cần gì? 7 vật dùng cần chuẩn bị khi nuôi mèo.

Nên mua mèo hay nhận nuôi mèo?

Nếu bạn chỉ đơn giản là muốn có một chú mèo để bầu bạn và không có yêu cầu đặc biệt giống hay ngoại hình thì bạn có thể nhận nuôi mèo. Một số địa điểm bạn có thể đến nhận nuôi mèo như:

  • Khu vực TPHCM:
    • Cứu Hộ Chó Mèo Sài Gòn Time – SGT
    • Nhóm cứu hộ động vật SAR
    • We Act For Animals
    • YeuDongVat Foundation (YDV)
    • Nhà Mèo Mồ Côi
  • Khu vực Hà Nội:
    • Trạm cứu hộ chó mèo Hà Nội
    • Nhận Nuôi Thú Cưng – Hanoi Pet Adoption
    • Trạm Cứu Hộ Động Vật Nông Nghiệp Hà Nội

Ngoài nhận nuôi, bạn cũng có thể mua các giống mèo ít phổ biến ở các cơ sở kinh doanh mèo uy tín. Tham khảo các cơ sở bán mèo uy tín và chất lượng qua bài viết địa chỉ bán mèo tại TpHCM.

Mèo nhà thật sự là một loài vật độc đáo và là một người bạn thân thiết của con người. Bài viết vừa rồi đã giới thiệu đến bạn về nguồn gốc, đặc điểm về hành vi, giác quan và những sự thật thú vị về mèo nhà. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp những người yêu mèo như bạn có nhiều phát hiện mới mẻ về loài vật đáng yêu này nhé.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *