Cách chăm sóc mèo con về nhà mới cho người mới

Mèo là loài vật thân thiện và gần gũi với con người nhưng cũng rất nhạy cảm. Bởi vì nhạy cảm nên mèo dễ sợ hãi và căng thẳng trước những thay đổi, đặc biệt là mèo con vừa được đón về nhà. Các bé mèo con có thể thấy lạ lẫm, nhút nhát và thậm chí không chịu ăn uống.

Vậy nên, bài viết này của Kat Gyrl sẽ hướng dẫn những điều cần làm khi nuôi mèo mới về nhà để bạn và bé mèo có một khởi đầu thuận lợi.

cách nuôi mèo con mới về nhà
Hướng dẫn cách nuôi mèo con ở nhà mới

Cần chuẩn bị gì khi đón mèo con mới về nhà?

  • Thức ăn – nước uống

Bạn cần dùng loại thức ăn dành riêng cho mèo con và giàu chất dinh dưỡng để mèo phát triển khỏe mạnh. Nuôi mèo con dưới 6 tuần tuổi sẽ cần tới sữa mẹ hoặc sữa công thức, từ 6 tuần tuổi trở lên có thể ăn kết hợp thức ăn ướt và khô.

  • Đồ dùng vệ sinh

Các đồ dùng vệ sinh cơ bản cho mèo là khay vệ sinh, cát mèo và bàn chải lông. Khi tắm mèo, bạn nên tắm bằng nước ấm và sử dụng sữa tắm chuyên dụng cho mèo như SOS, Dorrikey, Olive Essence,…

  • Nhà cho mèo – nơi trú ẩn an toàn

Bạn cũng cần chuẩn bị nhà cho mèo thật đầy đủ với lồng, ổ nệm và chăn. Ngoài ra, bạn nên mua một balo trong thời gian nuôi mèo để mang mèo về nhà và di chuyển khi cần thiết mà không làm mèo hoảng sợ.

  • Đồ chơi cho mèo

Mèo con cần vận động để phát triển cả thể chất lẫn tinh thần nên bạn đừng quên mua đồ chơi cho mèo như trụ cào, thú nhồi bông, cần câu mèo hoặc đồ chơi gắn tường.

Làm sao để mèo con làm quen nhà mới nhanh chóng?

Trên thực tế có rất nhiều cách làm quen với mèo con khi mới về nhà, dưới đây là 8 bước để mèo làm quen với nhà mới nhanh nhất.

1. Tạo không gian cho mèo con của bạn

cách làm quen với mèo con khi mới về nhà
Chuẩn bị cho mèo một không gian riêng để bắt đầu làm quen

Trước khi đón mèo con mới về nhà, bạn cần chuẩn bị một không gian thật phù hợp. Đó nên là một không gian yên tĩnh và an toàn trong nhà và được bày biện như sau:

  • Khay ăn và khay uống phải để tách biệt
  • Khay vệ sinh để xa khu ăn uống và ở nơi yên tĩnh
  • Một hộp các tông để mèo có thể trốn vào khi muốn
  • Nơi mèo có thể leo trèo để quan sát xung quanh từ trên cao
  • Một chiếc giường ấm cúng
  • Một trụ cào móng cho mèo
  • Một vài món đồ chơi để mèo giải trí

Khi đưa mèo về nhà, bạn cần dọn dẹp khuôn viên, tránh những vật dụng hoặc thực vật gây nguy hiểm cho mèo. Ví dụ như dây buộc rèm, dây điện, chất tẩy rửa, các dụng cụ sắc nhọn hoặc những thực vật độc hại. Mèo có tính nghịch ngợm, hiếu động nên việc xây dựng không gian an toàn cho mèo vui chơi là điều cần thiết.

Download Checklist 8 điều cần chuẩn bị để đón mèo về nhà

2. Đón, vận chuyển mèo con về nhà

Những cách làm quen với mèo khi mới về
Quá trình di chuyển cần đi cẩn thận, không làm mèo hoảng sợ

Bạn hãy yêu cầu cơ sở vận chuyển mèo bằng xe hơi để hạn chế tiếng ồn và va đập. Trên đường đem mèo con về nhà cần tuân thủ theo các lưu ý sau:

  • Bạn hãy yêu cầu cơ sở nuôi mèo con hạn chế cho mèo ăn trước khi lên xe để tránh bị nôn mửa hoặc đi vệ sinh trên đường.
  • Bạn phải đặt lồng mèo thẳng đứng và cố định lồng bằng dây an toàn.
  • Không được để mèo ở gần máy điều hòa trong suốt chuyến đi.
  • Lái xe từ tốn và an toàn, không làm xe bị xóc hay quá ồn.
  • Khi về tới nhà, bạn có thể che mắt mèo lại, giữ yên mèo trong lồng và thả mèo vào phòng đã chuẩn bị từ trước với đầy đủ nhà cho mèo, chăn đệm,…

3. Kiên nhẫn và dành nhiều thời gian cho mèo thời gian đầu

Các bé mèo con thường bị nhốt trong lồng ở cơ sở bán mèo trong thời gian dài và ít khi được đến nơi rộng lớn nên mèo con có thái độ rụt rè khi về nhà mới là rất bình thường.

Khi mèo con mới về nhà, bạn không nên nhốt bé trong chuồng mèo vì mèo không thích bị nhốt. Để giúp mèo bình tĩnh hơn, bạn có thể đặt một chiếc chăn hoặc vật dụng của mèo trong phòng. Bạn cứ mở cửa lồng, đặt thức ăn, nước uống và khay vệ sinh ở gần lồng, sau đó để mèo dần làm quan và tự do khám phá xung quanh phòng theo ý muốn.

Nếu nuôi mèo con mà bé vẫn thu mình lại trong lồng và không chịu ra ngoài sau 30 phút, hãy nhẹ nhàng tháo phần trên của lồng, bế mèo con lên, cho mèo xem bát đựng thức ăn, nước uống và khay vệ sinh. Mèo con sẽ cần thời gian để làm quen với căn phòng và ngôi nhà mới của mình.

Cách chăm sóc mèo con khi mới về nhà
Mèo cần thời gian để thích nghi với ngôi nhà mới

Mất bao lâu để mèo con quen nhà và chủ mới?

Không thể xác định chính xác khoảng thời gian chính xác để mèo làm quen với người chủ và nơi ở mới vì điều này phụ thuộc vào tính cách của từng chú mèo. Quá trình thích nghi này có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng. Thông thường, mèo có thể cần 1 đến 2 tuần để thích nghi với mọi thứ quanh mình.

Trong 2 tuần đầu, bạn chỉ nên để mèo sinh hoạt trong 1 phòng để mèo không bị choáng ngợp. Khi mèo con tự tin hơn, chúng sẽ dần khám phá cả ngôi nhà. Lúc này bạn cũng đừng vội để mèo tiếp xúc ngay với tất cả các thành viên trong gia đình bởi vì mèo đang rất nhút nhát và ngại người lạ.

4. Tương tác với mèo bằng việc chơi đùa

Sau khi dành thời gian để tương tác và tiếp xúc với mèo con ở nhà mới, mèo sẽ dần quen với mùi hương của bạn. Mùi của bạn sẽ bắt đầu thay thế những mùi liên quan đến nơi ở cũ của mèo và bạn sẽ trở thành người mà mèo cảm thấy an toàn khi ở bên cạnh. Bạn cũng cần khuyến khích và cùng mèo tham gia các hoạt động vui chơi phù hợp. Những hoạt động vui chơi tương tác sẽ giúp đời sống của cả bạn và mèo trở nên thú vị hơn.

Dành thời gian cho các hoạt động như khám phá, săn mồi, leo trèo sẽ giúp mèo giảm bớt những lo lắng và căng thẳng. Chuẩn bị sẵn sàng các trụ để mèo leo trèo và cào móng sẽ ngăn ngừa việc mèo cào rách hoặc làm đổ vỡ các đồ đạc trong nhà. Ngoài ra, để việc nuôi mèo dễ dàng hơn bạn có thể chơi với mèo bằng cần câu mèo để giúp mèo con giải phóng năng lượng và bản năng săn mồi.

Cách chào đón mèo con khi về nhà mới
Tương tác và chơi đùa để mèo vui vẻ và bớt lo lắng

Để tương tác và chăm sóc mèo con, bạn có thể vuốt ve mèo nhưng phải đúng cách để mèo thấy thoải mái và an toàn theo các bước sau:

  • Tiếp cận mèo từ phía trước và từ từ đến gần mèo
  • Khuỵu gối hoặc ngồi xuống ngang tầm mắt mèo
  • Nhìn vào mắt mèo và chớp thật chậm
  • Dùng đồ ăn để thu hẹp khoảng cách khi nuôi mèo
  • Đưa 1 ngón tay về phía mũi mèo để mèo ngửi như một cách chào hỏi thân thiện
  • Nhẹ nhàng vuốt ve đầu và mặt mèo, gãi nhẹ cằm, má và sau tai

Khi vuốt ve mèo bạn đừng vuốt từ trên đỉnh đầu làm tai cụp xuống, vuốt dọc sống lưng, bụng hoặc chân mèo. Đừng vuốt quá lâu vì có thể khiến mèo thấy không thoải mái, làm gián đoạn quá trình nuôi mèo con.

5. Giới thiệu mèo con với trẻ em và gia đình

Gặp gỡ nhiều người cùng một lúc sẽ khiến mèo con bị ngợp. Vậy nên, khi nuôi mèo con bạn cần để các thành viên trong gia đình, đặc biệt là trẻ em, từ từ làm quen với mèo. Bạn cần dạy trẻ tiếp xúc với mèo một cách nhẹ nhàng và từ tốn, giữ im lặng và không được chạy nhảy ồn ào. Quan trọng hơn, không được đối xử với mèo một cách thô bạo như giật đuôi hay túm cổ. Để bắt đầu làm quen với mèo, bạn có thể dạy trẻ đưa đồ ăn cho mèo, đặt đồ ăn trên sàn nhà hoặc cho đồ ăn vào bát.

Mèo con và trẻ em sẽ là những người bạn thân của nhau nhưng để an toàn bạn cần giám sát kỹ càng khi để cả hai tiếp xúc và chơi đùa. Bên cạnh đó, hãy hướng dẫn trẻ vuốt ve mèo một cách dịu dàng và không làm phiền mèo khi chúng không muốn để tránh bị mèo cào hoặc cắn.

cách chăm mèo mới về nhà
Dạy trẻ chơi với mèo thật nhẹ nhàng và âu yếm

6. Cho mèo làm quen với thú cưng khác

Nếu nhà bạn có vật nuôi khác hoặc sắp nuôi thì hãy đọc phần nội dung này. Nếu không, bạn có thể bỏ qua.

Mèo cũ làm quen mèo mới

Mèo có ý thức về lãnh thổ rất cao, nhất là mèo đực. Do đó khi nuôi mèo bạn cần chú ý đến từng con mèo, nếu bạn làm không khéo để chúng hòa hợp, chúng sẽ ghét bỏ và đánh nhau. Đầu tiên, bạn cần tách riêng chúng, mèo mới ở một phòng và không được lui tới ở những nơi mèo cũ yêu thích. Sau đó, bạn mới bắt đầu để chúng làm quen với nhau bằng mùi hương.

Có nhiều cách bạn có thể áp dụng để trao đổi mùi hương giữa hai chú mèo như vuốt ve mèo này rồi đến mèo kia, mang những món đồ trong phòng của mèo này vào phòng mèo kia. Dùng chung một món đồ chơi, dùng cùng bàn chải hoặc dùng khăn lau lên tuyến mùi hương ở má của mèo cũ rồi đưa cho mèo mới ngửi thử và ngược lại.

Khi đã dần quen với mùi hương của nhau, bạn có thể cho chúng gặp mặt bằng cách cho ăn gần nhau nhưng nên có vách lưới để chia cách. Lâu dần, cả hai chú mèo sẽ bắt đầu chấp nhận sự hiện diện của nhau trong nhà.

Mèo làm quen với chó

Giống như với mèo, việc đầu tiên bạn phải làm là tách chó và mèo ra trong 1 tuần đầu tiên. Sau đó áp dụng cách dùng chung đồ chơi, bàn chải, khăn lau. Trước khi chính thức gặp nhau, bạn nên dắt chó đi dạo một vòng để chó tiêu hao bớt năng lượng hung hăng. Trong những lần gặp đầu, bạn cần đeo xích cho chó để tránh chó rượt đuổi mèo.

Bạn có thể làm phân tán sự tập trung của chó bằng thức ăn. Nếu chó định gầm gừ dọa mèo thì hãy ngăn cản, yêu cầu “Ngồi xuống” và thưởng đồ ăn vì đã vâng lời. Sau vài lần tiếp xúc, bạn cứ để cửa phòng mở và mèo sẽ dần làm thân với chó.

Trường hợp nếu nhà bạn có bể cá cảnh thì nên cẩn thận vì khi nuôi mèo bởi mùi và chuyển động của cá trong bể sẽ gây kích thích. Mèo có thể vồ vào bể cá và bắt cá trong bể. Để tránh gặp trường hợp này, bạn hãy đậy nắp bể cá cẩn thận hoặc đặt một ít vỏ cam quýt gần bể cá vì mèo rất sợ những mùi này.

7. Huấn luyện mèo con đi vệ sinh

  • Chọn khay vệ sinh phù hợp

Bạn nên chọn khay có độ lớn phù hợp với kích thước của bé mèo và phải đủ rộng để mèo thấy thoải mái khi đi vệ sinh. Ban đầu mèo con sẽ cần học cách tự đi vệ sinh trên khay cát, lúc này bạn nên đặt khay trong toilet. Giai đoạn này bạn đừng nên cho mèo con sử dụng máy dọn vệ sinh tự động vì mèo rất dễ bị hoảng sợ. Mèo cần một khoảng thời gian để làm quen trước.

  • Tìm không gian phù hợp

Mèo là loài ưa sạch sẽ nên mèo sẽ không đi vệ sinh gần khu vực ăn uống và thích khu vực vệ sinh là một nơi riêng tư trong nhà. Do đó, bạn hãy cân nhắc vị trí thích hợp cho không gian vệ sinh.

  • Giữ khay vệ sinh luôn sạch sẽ

Mèo sẽ không chịu đi vệ sinh nếu khay không sạch sẽ. Việc giữ vệ sinh sạch sẽ trong thời gian nuôi mèo sẽ giúp cho các bé mèo cảm thấy thoải mái. Vậy nên bạn cần xúc và dọn khay 2 lần 1 ngày, đồng thời thay cát và làm sạch toàn bộ khay ít nhất 1 lần 1 tuần. Ngoài ra, bạn cũng cần tránh để phân bết vào khay.

Cứ lặp đi lặp lại quá trình này cho đến khi mèo quen với việc đi vệ sinh trong khay cát. Nếu mèo con không đi trong khay cát, bạn đừng la mắng mèo mà hãy từ từ hướng dẫn vì nó sẽ hoảng sợ và còn làm tình hình tồi tệ hơn.

Chăm sóc mèo con như thế nào
Hướng dẫn mèo con đi vệ sinh một cách kiên nhẫn, tránh la mắng mèo

8. Cho mèo con làm quen việc chơi ngoài trời

Trước khi cho mèo con khám phá và vui chơi ngoài trời bạn cần đảm bảo những điều sau.

  • Gắn vi mạch

Gắn vi mạch là phương pháp hữu hiệu để tìm lại mèo bị mất. Việc cấy ghép vi mạch hiện nay cũng rất an toàn khi nuôi mèo. Vi mạch sẽ không bong ra sau khi cấy và cũng không làm mèo gặp nguy cơ bị thương như vòng cổ và ID.

Vi mạch không phải là thiết bị GPS mà là thiết bị Nhận dạng Tần số Vô tuyến (RFID). Sau khi gắn vi mạch, nếu mèo con của bạn lạc mất, người tìm thấy sẽ quét con chip và biết được thông tin mèo đã được đăng ký. Các công ty cung cấp vi mạch khi được người tìm thấy thông báo sẽ liên hệ với chủ của chú mèo để nhận lại mèo.

  • Tiêm phòng

Sức đề kháng của mèo con khá yếu nên chúng sẽ dễ bị lây nhiễm hoặc mắc bệnh nếu đi chơi bên ngoài mà không được tiêm phòng đầy đủ. Một số bệnh thường gặp ở mèo con là cúm mèo hoặc viêm ruột mèo. Đó là lý do khi nuôi mèo bạn không nên để mèo con ra ngoài cho đến khi hoàn thành đợt tiêm chủng đầu tiên, thường là khoảng 13 – 14 tuần tuổi tuỳ vào loại vắc xin.

Hướng dẫn nuôi mèo con ở nhà mới
Đảm bảo mèo con được an toàn trong quá trình khám phá ngoài trời

Bạn cần đồng hành cùng mèo trong suốt quá trình mèo ra ngoài trời khám phá. Bạn nên để lồng xuống, mở cửa và để mèo tự ra ngoài chứ không nên tự ý bế mèo ra ngoài. Bạn cũng cần giám sát mèo chặt chẽ khi chúng ở bên ngoài, đặc biệt là mèo con dưới 6 tháng tuổi. Cho đến khi bạn nuôi mèo trưởng thành hơn, bạn có thể để chúng tự do khám phá.

Hãy thử cho mèo con ra ngoài trước bữa ăn vì các chú mèo con tò mò khám phá sẽ biết phải quay trở về khi đói. Không những vậy, bạn nhớ luôn để cửa lồng mở để mèo tự quyết định khi nào muốn đi ra ngoài chơi và khi nào muốn rút vào trong lồng.

Tuy vậy, một số mèo con khi mới nuôi lại gặp vấn đề trong việc ăn uống? Một số bé rất kén ăn, nguyên nhân của việc này là gì?

Lý do mèo con mới về nhà không chịu ăn

Có hai lý do có thể dẫn đến việc mèo con về nhà không chịu ăn.

  • Stress

Mèo dễ cảm thấy khó chịu, căng thẳng khi phải chuyển môi trường mới. Bạn có thể nhận ra mèo con đang stress qua việc chúng thu mình và trốn tránh, ăn ít, dễ giận dữ, cào cấu nhiều hơn, kêu meo meo rất nhiều hoặc gầm gừ.

Lúc này, người nuôi mèo hãy cho mèo một chút thời gian để thích nghi với ngôi nhà mới bằng cách tạo một không gian yên tĩnh và an toàn để mèo có thể trốn vào nếu thấy stress quá mức.

  • Kiểm tra sức khỏe

Hãy đảm bảo mèo con của bạn luôn khỏe mạnh. Nuôi mèo mà mèo không chịu ăn có thể là dấu hiệu của những vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Khi thấy mèo con có các triệu chứng bệnh như thờ ơ, tiêu chảy, nôn mửa và hành vi thay đổi bất thường, bạn cần đưa mèo đến bác sĩ thú y để được thăm khám ngay lập tức.

Khi mới về nhà, mèo con còn lạ lẫm, chưa quen với môi trường mới. Vì vậy, việc chuẩn bị thức ăn cho mèo giống với nơi ở cũ là điều cần thiết. Sau 1 – 2 tuần, bạn có thể từ từ chuyển sang các loại thức ăn khác nếu muốn. Tỷ lệ thức ăn mới tăng dần qua mỗi ngày cho mèo con làm quen, hạn chế cảm giác biếng ăn.

Lý do mèo mới về nhà kêu nhiều

  • Do thay đổi môi trường sống

Bất cứ sự thay đổi nào xảy ra xung quanh, đặc biệt là khi phải thay đổi môi trường sống, đều khiến mèo thấy căng thẳng. Khi đó, mèo sẽ kêu nhiều hơn và tiếng lớn hơn bình thường.

  • Tạo sự chú ý

Nếu mèo con liên tục kêu meo meo với bạn, có thể chúng đang muốn tạo sự chú ý để bạn đáp ứng yêu cầu của chúng. Một lý do phổ biến là mèo con đang đói và muốn được cho ăn, ngoài ra cũng có thể chúng muốn được bạn chơi cùng hoặc muốn đi dạo.

  • Có thể là dấu hiệu của bệnh lý

Mèo con cũng kêu nhiều nếu chúng bị đau. Trong quá trình lớn lên, mèo có thể bị đau do thay răng, bị bệnh hoặc gặp tai nạn trong nhà mà bạn không biết.

Nên làm gì khi mèo con kêu nhiều?

Hãy thường xuyên theo dõi và giao tiếp với mèo con để có thể nhận ra ý nghĩa riêng của những tiếng kêu. Trong trường hợp mèo kêu nhiều, bạn có thể làm những việc sau:

  • Kiểm tra bát thức ăn và nước uống nếu mèo đói
  • Kiểm tra khay vệ sinh và làm sạch khay nếu cần
  • Dành thời gian chơi đùa và vuốt ve mèo con
  • Đưa mèo đến thú y nếu phát hiện các triệu chứng bệnh

Thời gian để mèo trưởng thành làm quen với nhà mới, chủ mới là khoảng 2 tuần – 3 tháng. Bởi chúng rất nhạy cảm, lo lắng và sợ hãi với việc thay đổi môi trường sống nên cần nhiều thời gian hơn mèo con. Khi đến một căn nhà mới, mèo thường sẽ tìm cho mình chỗ trú ẩn kín đáo để quan sát mọi thứ xung quanh và có thể chạy khỏi nhà bất cứ lúc nào. Nghĩa là bạn cần dành nhiều thời gian để quan tâm, chăm sóc  mèo hơn.

Để mèo con làm quen và thích nghi với môi trường sống mới, bạn cần dành thời gian quan tâm mèo và có sự chuẩn bị cẩn thận khi nuôi mèo. Mong rằng bài viết trên đã mang đến các thông tin bổ ích giúp bạn xoay sở trong thời gian đón một bé mèo con về nhà. Hãy theo dõi Kat Gyrl và đọc thêm những bài viết khác nhé.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *