Mèo ngủ nhiều có sao không? Lý do mèo ngủ nhiều

Bạn cảm thấy dường như mèo nhà mình ngủ rất nhiều? Bạn không biết mèo ngủ bao nhiêu là đủ và bao nhiêu là quá nhiều? Liệu mèo ngủ nhiều có là điều bình thường? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp cho bạn tất cả những thắc mắc trên cũng như cung cấp thêm các thông tin liên quan đến giấc ngủ của mèo, hãy cùng Kat Gyrl tìm hiểu chi tiết nhé.

mèo ngủ nhiều hơn bình thường
Tìm hiểu vì sao mèo ngủ nhiều

Mèo thường ngủ bao nhiêu tiếng 1 ngày?

Giới tính của mèo không ảnh hưởng đến thời gian ngủ của chúng. Mèo thường có xu hướng hoạt động vào ban đêmngủ nhiều vào ban ngày. Thời gian ngủ của mèo sẽ thay đổi theo độ tuổi.

  • Dưới 2 tháng tuổi: Mèo dưới 2 tháng tuổi thường ngủ đến 90% thời gian trong ngày, tức là mèo con ngủ mỗi ngày 22 giờ ngủ.
  • 2 tháng tuổi – 1,5 năm tuổi: Trong giai đoạn này, mèo sẽ ngủ khoảng 16-18 giờ mỗi ngày, đây cũng là thời gian ngủ trung bình của một chú mèo trưởng thành.
  • Mèo già (>7 tuổi): Mèo khi lớn tuổi sẽ bắt đầu ngủ nhiều như mèo con với thời gian ngủ lên đến 20 giờ mỗi ngày.

Mèo con và mèo già ngủ nhiều hơn mèo trưởng thành bình thường. Ngoài vấn đề tuổi tác, mèo cũng ngủ theo bản năng sẵn có, chúng ngủ để tiết kiệm năng lượng cho việc săn bắt, rượt đuổi và giết thịt cho bữa ăn tiếp theo.

thời gian ngủ của mèo
Thời gian ngủ của mèo phụ thuộc vào độ tuổi, trong đó mèo con và mèo già ngủ nhiều hơn

Giấc ngủ REM ở mèo là gì?

Bạn có biết rằng, thời gian ngủ của mèo nhiều hơn chó (12-14 tiếng/ngày) và người (7-8 tiếng/ngày). Giống như con người, mèo trải qua các giai đoạn khác nhau của giấc ngủ. Mèo trải qua cả giấc ngủ chuyển động mắt không nhanh (NREM – Non Rapid Eye Movement) và giấc ngủ chuyển động mắt nhanh (REM – Rapid Eye Movement).

Mèo thường trải qua một khoảng thời gian tỉnh táo và hoạt động trước khi buồn ngủ và rơi vào giấc ngủ NREM. Trong giai đoạn NREM này, mèo có thể đang ngủ say và nhưng cũng sẵn sàng thức dậy bất cứ lúc nào. Mèo luôn sẵn sàng phản ứng ngay lập tức như vồ lấy con mồi hoặc cào bạn nếu bạn vuốt ve chúng mạnh tay. Điều này có thể nhận thấy ở khứu giác và thính giác ở chế độ “bật”, tai mèo thỉnh thoảng giật giật khi nghe tiếng động thậm chí là rất nhỏ.

Sau giấc ngủ NREM, mèo có thể lại chuyển qua trạng thái tỉnh táo, buồn ngủ và ngủ NREM thêm một vài lần nữa. Khoảng 3/4 thời gian ngủ của mèo là những giấc ngủ ngắn này, mỗi giấc thường kéo dài 15-30 phút.

Cuối cùng trong chu kỳ, mèo chuyển từ giấc ngủ NREM sang giấc ngủ REM, chiếm khoảng 1/4 thời gian ngủ. Trong giấc ngủ REM, mắt di chuyển rất nhanh phía sau mí mắt. Khi mèo đang trong giấc ngủ REM, chúng có thể co giật hoặc đi khập khiễng do mất trương lực cơ và có thể mơ giống con người.

(Nguồn: Sleep Foundation & Britannica)

Tại sao mèo ngủ nhiều?

Có nhiều lý do dẫn đến việc mèo ngủ nhiều. Tuy nhiên, hai lý do đơn giản dưới đây có thể giải thích cho hiện tượng này.

1. Ngủ nhiều là hành vi cơ bản của loài mèo

Nói một cách đơn giản, ngủ nhiều là bản chất của loài mèo. Cả mèo nhà lẫn mèo hoang đều là động vật ăn thịt và động vật ăn thịt thì ngủ nhiều hơn động vật ăn cỏ – Theo Ann Hohenhaus, bác sĩ thú y cấp cao tại Trung tâm Y tế Động vật Schwarzman.

Nguyên nhân của việc này là do động vật ăn thịt phải săn tìm thức ăn và việc săn mồi tốn nhiều năng lượng hơn so với việc chăn thả. Mèo là loài săn mồi tự nhiên. Con mồi của chúng thường di chuyển rất nhanh và khó bắt được. Việc phải rình rập và vồ lấy con mồi liên tục khiến mèo mệt mỏi, do đó đòi hỏi chúng phải nạp lại rất nhiều năng lượng.

Với các con mèo hoang, chúng ngủ ở mức vừa để hồi phục sau khi đi săn cũng như bảo tồn năng lượng cho lần đi săn tiếp theo. Điều này cũng duy trì ở mèo nhà dù không phải săn mồi tốn nhiều thể lực như mèo hoang.

tại sao mèo ngủ nhiều
Mèo ngủ nhiều vì chúng cần năng lượng để săn bắt

Mặt khác, qua hàng triệu năm tiến hóa, mèo đã trở thành loài săn mồi trong điều kiện ánh sáng yếu. Tất cả các chú mèo đều sở hữu tapetum – một tấm gương ở phía sau võng mạc – không những làm cho mắt mèo trông giống như những quả cầu phát sáng mà còn giúp chúng nhìn rõ hơn trong môi trường tối một cách hiệu quả. Đó là lý do mèo ngủ rất nhiều vào ban ngày để tiết kiệm năng lượng cho việc đi săn vào lúc bình minh và hoàng hôn.

Bên cạnh yếu tố bản năng di truyền, mèo nhà cũng bị ảnh hưởng bởi hoạt động của con người và chúng có thể thích nghi thời gian sinh hoạt của người nuôi ở một mức độ nào đó.

2. Mèo ngủ nhiều có thể do vấn đề sức khỏe và tâm lý

vì sao mèo ngủ nhiều
Mèo ngủ quá mức bình thường có thể do gặp vấn đề về thể chất hoặc tinh thần
  • Mèo gặp vấn đề về sức khỏe

Mèo có xu hướng che giấu các triệu chứng bệnh của mình và thường ngủ như một cách để nghỉ ngơi cũng như chống lại bệnh tật. Ngoài ra, những cơn đau tiềm ẩn cũng có thể khiến mèo nằm ngủ lâu hơn vì mọi cử động đều làm chúng thấy đau.

Bản thân việc ngủ quá nhiều không phải là một dấu hiệu nguy hiểm, nhưng nếu đi kèm các dấu hiệu như trốn tránh, sụt cân, nôn mửa, không năng động như bình thường… đó có thể là dấu hiệu cho thấy chúng đang cảm thấy không khỏe.

Các bệnh phổ biến có thể khiến mèo ngủ thường xuyên hơn bao gồm:

  • Viêm khớp
  • Tiểu đường
  • Giun tim
  • Bệnh nội tiết

(Nguồn: Business Insider)

Mèo cũng có thể bị đau và khó chịu nếu thừa cân và ngủ nhiều hơn. Cân nặng quá mức có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nên bạn cần tham khảo ý kiến ​​bác sĩ thú y để kiểm tra sức khỏe toàn diện cho mèo.

  • Mèo ngủ nhiều sau khi triệt sản
mèo ngủ nhiều sau triệt sản
Sau khi triệt sản, mèo sẽ ngủ nhiều hơn. Lý do tại sao nhỉ?

Mèo ngủ nhiều sau khi triệt sản là một phản ứng bình thường và tự nhiên do sự kết hợp của các yếu tố sinh lý và tâm lý sau quá trình phẫu thuật, cụ thể:

    • Cơ thể mệt mỏi

Sau khi triệt sản, ngủ quá nhiều có thể chỉ là dấu hiệu cho thấy mèo của bạn đang mệt mỏi sau những gì vừa trải qua. Trong vòng 2 ngày sau triệt sản, mèo sẽ ngủ lâu hơn bình thường. Đây là khoảng thời gian để mèo nghỉ ngơi và sau đó sẽ trở lại trạng thái ban đầu. Nếu mèo vẫn ngủ nhiều sau một tuần thực hiện phẫu thuật, bạn nên đưa mèo đến gặp bác sĩ ngay.

    • Tác động của thuốc gây mê

Khi triệt sản, mèo được được gây mê để thực hiện phẫu thuật. Gây mê làm cho mèo mất ý thức và không cảm nhận đau đớn, nhưng cũng làm cho chúng thêm mệt mỏi. Sau khi tỉnh dậy từ tình trạng này, mèo thường cảm thấy yếu đuối và buồn ngủ. Thuốc mê được sử dụng khi triệt sản sẽ không hết tác dụng ngay lập tức. Một lượng thuốc trong cơ thể mèo vẫn sẽ khiến chúng buồn ngủ và có xu hướng ngủ nhiều hơn.

Các loại thuốc khác như thuốc kháng sinh cũng có thể khiến mèo buồn ngủ hơn bình thường nhưng khi vết thương lành và ngưng dùng thuốc, tình trạng sẽ được cải thiện.

    • Phục hồi sau phẫu thuật

Giấc ngủ có tác dụng chữa lành cơ thể và việc động vật bị bệnh muốn ngủ nhiều hơn là điều hiển nhiên. Phẫu thuật triệt sản có thể gây ra căn nguyên trên cơ thể của mèo, và chúng cần thời gian để phục hồi sau đó. Những giấc ngủ nhiều có thể giúp mèo hồi phục nhanh chóng sau phẫu thuật và giảm nguy cơ bị viêm nhiễm, đau đớn.

    • Thay đổi hormone

Triệt sản loại bỏ tác động của hormone sinh sản. Những hormone này có thể ảnh hưởng đến một số hành vi nhất định ở mèo cũng như thay đổi quá trình trao đổi chất của mèo. Điều này có thể gây ra một loạt thay đổi về sinh lý, bao gồm cả tâm trạng, mức năng lượng và hành vi ngủ của mèo.

    • Vết thương không lành

Bạn có thể thấy mèo ngủ lâu hơn nếu vết thương không lành nhanh như bình thường. Nguyên nhân vết thương không lành có thể là do kháng sinh không đủ mạnh hoặc mèo bị nhiễm trùng. Có những dấu hiệu nhận biết khác cần chú ý như chán ăn, mệt mỏi, sốt,… Mèo cũng bị đau nên thường ngủ như một cách để tránh cơn đau.

Chăm sóc một chú mèo ốm sau triệt sản không khó như bạn nghĩ. Hãy để mèo của bạn ngủ đủ cũng như cung cấp một chế độ ăn uống lành mạnh và sử dụng các loại thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ thú y.

Nếu bạn lo lắng về những sự thay đổi lớn trong hành vi hoặc sức đề kháng của mèo sau triệt sản, bạn nên thảo luận với bác sĩ để đảm bảo rằng quá trình phục hồi đang diễn ra ổn định và không có vấn đề gì đáng lo.

  • Mèo bị stress

Mèo rất dễ bị căng thẳng. Thời gian ngủ dài và đột nhiên không hoạt động nhiều như bình thường cũng có thể là dấu hiệu của việc mèo bị stress. Mèo có thể cảm thấy lo lắng và căng thẳng vì một số lý do như có người lạ đến thăm nhà, lịch trình hàng ngày thay đổi, di chuyển đến một nơi ở mới,… Lúc này mèo có xu hướng trốn tránh và hạn chế giao tiếp cũng như tìm một nơi ẩn náu yên tĩnh để ngủ nhiều hơn như một cách để đối phó với nỗi lo lắng và sợ hãi.

Do đó, hãy học cách chăm sóc bé mèo nhất là nuôi mèo con mới về nhà để biết khi nào mèo có vẻ thờ ơ một cách bất thường hoặc ngủ nhiều quá mức.

Nhận biết mèo ngủ bất thường?

Mèo ngủ nhiều là do cơ chế sinh học và bản năng của mèo. Tuy nhiên, nếu mèo của bạn hơn 1 tuổi hoặc trưởng thành mà ngủ trên 18 tiếng/ngày và dường như ngủ sâu trong phần lớn thời gian đi kèm biếng ăn, mệt mỏi, ủ rũ thì đó có thể là dấu hiệu của vấn đề sức khỏe. Bạn hãy cân nhắc đưa mèo đến gặp bác sĩ thú y nếu mèo buồn ngủ vào thời điểm lẽ ra chúng nên tỉnh táo nhất (vào lúc bình minh và hoàng hôn).

Mèo co giật khi ngủ có sao không?

Việc mèo bị co giật nhẹ ở râu, tai, đuôi hoặc tay chân khi đang ngủ là điều bình thường. Các cơn co giật khi mèo ngủ có thể được gọi là “cơn mơ” hoặc “cơn mơ vận động nhanh” (REM), tương tự như chúng ta có cơn mơ khi ngủ. Đây chỉ là một phần của hoạt động não bộ trong giấc ngủ của mèo và không khiến mèo đau đớn hay khó chịu.

  • Giấc ngủ không REM: Trong giai đoạn ngủ không REM, mèo thường thực sự bất động, nhưng họ có thể có một số cử động nhẹ hoặc cử động của cơ bắp như nheo, giật mắt, và đôi khi thậm chí cử động mắt một cách nhanh chóng.
  • Giấc ngủ REM: Trong giai đoạn ngủ REM, mèo thường có các cử động nhanh hơn và lớn hơn, chẳng hạn như chuyển động mắt dưới miệng, di chuyển chân, hoặc đuôi. Các cử động này thường liên quan đến các hoạt động trong giấc mơ của mèo.

Tóm lại, mèo có thể xen kẽ giữa giai đoạn ngủ REM và không REM, và cả hai giai đoạn này có những đặc điểm cụ thể của chúng.

Co giật nhẹ khi ngủ là hiện tượng bình thường của mèo ở mọi lứa tuổi. Thường thì mèo con có xu hướng năng động hơn khi ngủ nhưng miễn là chúng hoạt động bình thường khi thức dậy và các cơn co giật nhẹ không ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ thì không có gì đáng ngại.

Nếu bị co giật nhiều và thường xuyên, bạn có thể đánh thức mèo để đảm bảo chúng thoát khỏi cơn co giật nhưng đừng liên tục làm gián đoạn giấc ngủ sâu vì mèo sẽ trở nên gắt gỏng. Vậy làm sao để có thể phòng ngừa các cơn co giật liên tục?

Lưu ý giúp huấn luyện mèo có thói quen ngủ tốt

    1. Đảm bảo mèo không va đập vào các vật cứng hoặc góc sắc: Hãy di chuyển mọi vật thể nguy hiểm khỏi vùng xung quanh mèo.
    2. Chuẩn bị cho mèo một chiếc giường với kích cỡ vừa với mèo, đủ lớn để mèo có thể xoay người và đủ nhỏ để mèo không thấy lạc lõng cũng như được làm bằng chất liệu mềm mại thoải mái.
    3. Bạn có thể để một vài món đồ của bạn ở giường để mèo thấy quen thuộc và khuyến khích mèo ngủ trên giường.
    4. Tạo không gian an toàn: Nếu mèo đang ở gần bậc cầu thang hoặc bất kỳ nơi nào có nguy cơ ngã ngửa, hãy đặt một cái gương hoặc tấm bìa cứng để ngăn mèo tiếp cận các vị trí nguy hiểm trong giai đoạn co giật.
    5. Hãy chơi với mèo vào buổi sáng để chúng có thời gian vận động, tiêu hao năng lượng và dễ ngủ hơn vào buổi tối.
    6. Không nên cho mèo ăn quá nhiều trước khi đi ngủ vì ăn no sẽ làm mèo trở nên hưng phấn hơn và không chịu đi ngủ.
    7. Giữ khoảng cách: Tránh tiếp cận mèo trong thời gian co giật, vì chúng có thể không nhận ra bạn và có thể cào hoặc cắn bạn trong trạng thái loạn thần.
    8. Ghi lại thông tin: Ghi lại thời gian và tần suất của cơn co giật cũng như mọi thông tin liên quan, như các dấu hiệu tiền đạo hoặc tình trạng mèo sau cơn co giật. Thông tin này có thể giúp bác sĩ thú y xác định nguyên nhân và cách điều trị tốt nhất.

Mèo ngủ nhiều ăn ít có tốt không?

Mèo ngủ nhiều bỏ ăn có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau. Một số bệnh thường gặp có thể làm mèo mất cảm giác đói và không muốn ăn, cũng như làm mèo buồn ngủ và ít hoạt động hơn bình thường. Những bệnh này bao gồm:

  • Viêm ruột

Viêm dạ dày ruột là tình trạng viêm đường tiêu hóa (dạ dày và ruột). Nó có thể được gây ra bởi nhiễm vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng, thuốc hoặc thậm chí là thực phẩm lạ. Tình trạng này thường gây đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa và các dấu hiệu lâm sàng khác.

Hầu hết những con mèo bị viêm dạ dày ruột sẽ bị nôn mửa và tiêu chảy từng đợt.  Phương pháp điều trị chính của viêm dạ dày ruột bao gồm bù nước và phục hồi cân bằng điện giải trong máu (natri, kali và clorua).

Theo đó một số biện pháp chữa trị cho trường hợp này bao gồm:

    • Sử dụng Thuốc kháng sinh metronidazole, ampicillin có thể được sử dụng nếu mèo dấu hiệu lâm sàng nghiêm trọng hoặc được chẩn đoán cho thấy nhiễm trùng do vi khuẩn.
    • Dùng thuốc chống nôn maropitant (Cerenia®) hoặc metoclopramide (Reglan®).
    • Các chất bảo vệ đường tiêu hóa, chẳng hạn như famotidine (Pepcid®) hoặc ranitidine (Zantac®) có thể ngăn ngừa loét dạ dày.

(Nguồn: vcahospitals.com)

  • Đau dạ dày

Hệ thống tiêu hóa của mèo rất nhạy cảm và chỉ cần khó chịu một chút cũng có thể gây tiêu chảy hoặc nôn mửa. Nếu mèo của bạn đã ăn phải thứ gì đó không tốt, bản năng đầu tiên của mèo sẽ là tránh ăn và ngủ nhiều để phục hồi như một sự tự vệ bẩm sinh.

  • Nhiễm trùng do vi khuẩn, vi rút hoặc dị ứng thực phẩm

Bất kỳ bệnh nhiễm trùng nào cũng có thể khiến mèo chán ăn và ngủ nhiều hơn bình thường để chống lại căn bệnh.

  • Bệnh tiểu đường và viêm tụy

Bệnh tiểu đường và viêm tụy là những căn bệnh phổ biến ở mèo, tình trạng này đặc biệt phổ biến ở mèo đực đã được thiến, thường dẫn đến trạng thái ngủ nhiều quá mức và biếng ăn.

  • Suy thận

Suy thận ở mèo rất khó phát hiện vì các triệu chứng chỉ trở nên rõ ràng khi khoảng 75% chức năng thận đã bị mất. Ngủ nhiều đến mê man và chán ăn là những triệu chứng chính của bệnh suy thận, nhưng bạn cần đến bác sĩ thú y để thực hiện nhiều xét nghiệm khác nhau để chắc chắn.

Dáng ngủ của mèo nói lên điều gì?

Mèo dành nhiều thời gian để ngủ và các tư thế ngủ khác nhau có thể thể hiện sâu sắc về sức khỏe tinh thần và thể chất của chúng. Một số tư thế ngủ thường thấy ở mèo là:

7 tư thế của mèo khi ngủ
Các tư thế ngủ của mèo thể hiện điều gì?
  • Tư thế ngủ hình lưỡi liềm

Tư thế ngủ hình lưỡi liềm là khi mèo cuộn tròn, đầu cúi xuống bàn chân và đuôi cụp vào trong. Cuộn tròn thành hình lưỡi liềm là một trong những tư thế ngủ phổ biến nhất của mèo vì khi đó phần bụng được che giấu khỏi kẻ săn mồi và giúp mèo có thể phản ứng nhanh trước những tình huống bất ngờ. Thêm vào đó, tư thế ngủ này giúp mèo giữ ấm và ngủ sâu hơn một số tư thế khác (Theo Primrose Moss, bác sĩ thú y ở Anh).

  • Tư thế ngủ ngửa bụng

Nếu mèo ngủ và ngửa bụng lên nghĩa là mèo đang cảm thấy vui vẻ. Tư thế này để lộ vùng nhạy cảm nhất của mèo nên chúng chỉ làm thế khi cảm thấy tin tưởng và thư giãn hoàn toàn khi ở bên cạnh bạn. Ngoài ra, mèo cũng nằm như vậy vào mùa hè để cảm thấy mát mẻ hơn.

  • Tư thế ngủ “ổ bánh mì”

Tư thế ngủ “ổ bánh mì” là một tư thế cổ điển – thẳng đứng với bàn chân và đuôi thu vào trong. Mèo chọn cách ngủ “ổ bánh mì” khi nhiệt độ lạnh, khi thấy căng thẳng hoặc đau đớn. Vị trí này giúp cơ thể giữ nhiệt, bảo vệ các cơ quan quan trọng và giúp mèo sẵn sàng ứng phó với mọi mối đe dọa xung quanh.

  • Tư thế ngủ uốn dẻo

Tư thế ngủ khiến mèo trông giống như một người đang uốn dẻo đều thường là dấu hiệu của một chú mèo hạnh phúc. Khi mèo của bạn chọn tư thế này, chúng phải cảm thấy khá thoải mái vì thường để lộ bụng và không ở tư thế tốt nhất để phản ứng nhanh. Đối với mèo, những tư thế kỳ quặc này thực sự rất thoải mái.

  • Tư thế ngủ che mặt

Tư thế đáng yêu này có thể là một hành vi tiến hóa để bảo vệ mắt và mũi của mèo, những bộ phận dễ bị tổn thương và cực kỳ quan trọng. Mặt khác, mèo cũng có thể chọn cách ngủ này đơn giản vì nó thoải mái, giúp giữ ấm mặt và cũng có thể cản bớt ánh sáng.

  • Tư thế ngủ ngồi

Mèo thường ngủ gật khi ngồi là điều bình thường. Tuy nhiên, nếu bạn quan sát thấy mèo không thoải mái hoặc cố gắng nằm nhưng không thể do khó chịu hoặc khó thở thì hãy đưa mèo đến bác sĩ thú y ngay.

  • Tư thế ngủ ôm ấp với bạn

Nếu mèo chọn ngủ với bạn, đó là dấu hiệu của sự tin tưởng và tình cảm sâu sắc. Bên cạnh đó, mèo cũng thích ngủ ở những nơi ấm áp nên vào những ngày trời lạnh, mèo cũng có thể ngủ trên giường với bạn và ôm ấp để sưởi ấm thêm.

Vị trí của mèo khi nằm ngủ với bạn nói lên điều gì?

  • Nằm lên người bạn: Mèo thường nằm trên ngực hoặc bụng bạn để tìm kiếm sự ấm áp. Chúng cũng muốn gần gũi với bạn và chia sẻ mùi hương của chúng với bạn như một cách đánh dấu lãnh thổ.
  • Nằm lên đầu: Mèo cưng thích nằm trên đầu khi ngủ để cảm nhận nhịp thở của bạn và thấy được ôm ấp. Mèo hiểu rằng đầu của bạn là nơi có mặt của bạn và thường ngủ trên đầu bạn để bảo vệ bạn.
  • Nằm dưới chân: Khi mèo nằm dưới chân của bạn nghĩa là chúng cảm thấy thoải mái, tự do và không muốn bị quấy rầy khi ngủ.

Mèo có nằm mơ không?

Mèo có nằm mơ và đây là phần không thể thiếu trong chu kỳ giấc ngủ. Giấc mơ chủ yếu xảy ra trong giấc ngủ REM khi mèo đang ngủ rất sâu. Những gì mèo xảy ra trong một ngày đều có thể được hồi tưởng lại trong giấc mơ của chúng như về bữa ăn, lúc leo trèo, lúc chơi đùa cùng người nuôi,… Điều này giải thích tại sao chúng ta thường thấy râu mèo co giật, âm thanh thút thít nhỏ hoặc bàn chân mèo như đang chạy khi đang ngủ. Mơ chính là cách để mèo hiểu được các thông tin được xử lý trong não bộ thông qua các tế bào thần kinh.

(Nguồn: Purina)

Tóm lại, ngủ nhiều vốn là bản năng của loài mèo nên khi thấy mèo nhà mình dành phần lớn thời gian để ngủ bạn cũng đừng quá lo lắng. Tuy nhiên, khi phát hiện mèo đột ngột ngủ nhiều hơn bình thường và đi kèm các triệu chứng khác thì bạn nên đưa mèo đến gặp bác sĩ ngay để được tư vấn. Nếu bạn muốn biết nhiều thông tin hơn về mèo, hãy theo dõi Kat Gyrl để tìm hiểu thêm nhé.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *