Tại sao Mèo Thở Gừ Gừ? 7 Lý do giải tiếng kêu “gừ gừ” của mèo nhà

Mèo nhà là một loài động vật đã được thuần hóa và sống cùng con người từ hàng ngàn năm qua. Do đó, giao tiếp là một phần không thể thiếu để mèo bày tỏ mong muốn hoặc thể hiện những cảm xúc khác nhau với con người. Mèo giao tiếp bằng cả âm thanh và hành động.

Theo đó, tiếng kêu “gừ gừ“, “gru gru” (hoặc Purring trong tiếng Anh) là một âm thanh rất đặc thù rất ít loài có, điển hình nhất là mèo. Và dù có nguồn gốc từ mèo rừng vào khoảng 8000 năm TCN, mèo nhà vẫn giữ được âm thanh gừ gừ đặc biệt như một cách để giao tiếp với con người.

Mèo kêu gừ gừ trong nhiều hoàn cảnh khác nhau như khi được vuốt ve, khi ngủ, khi vui vẻ hoặc cả khi khó chịu. Tiếng gừ gừ ở mèo được kêu nhiều chỉ sau tiếng meo meo và chúng có mang nhiều ý nghĩa. Hãy cùng Kat Gyrl tìm hiểu xem mèo tạo ra tiếng gừ gừ bằng cách nào, lý do gì khiến mèo kêu gừ gừ, và lợi ích từ tiếng kêu đặc biệt này nhé!

mèo thở gừ gừ trong cổ họng
Tìm hiểu lý do mèo phát ra tiếng gầm gừ

Mèo thở ra tiếng gừ gừ bằng cách nào?

Mèo kêu gừ gừ (hay rừ rừ) hoặc purring trong tiếng Anh là hành động mèo phát ra âm thanh nho nhỏ từ cổ kèm theo những rung động có thể cảm nhận được khi bạn chạm vào chúng. Mèo bắt đầu biết gừ gừ ngay từ khi mới sinh ra như một cách để giao tiếp với mẹ khi chưa thể mở mắt được.

Về mặt khoa học, tiếng gừ gừ được tạo ra nhờ các cơ xung quanh thanh quản khi nhận tín hiệu từ não bắt co giật với tốc độ 25 -150 rung động mỗi giây (Hz). Sau đó, các cơ thanh quản sẽ co giãn quanh dây thanh âm làm cho không khí qua đây rung lên khi mèo hít vào thở ra và tạo nên âm thanh rừ rừ. Tiếng rừ rừ đôi khi trầm đến mức dường như chỉ có độ rung chứ không nghe được âm thanh.

(Nguồn: Cattitude Daily, Excited Cats)

cách mèo thở gừ gừ
Mèo gừ gừ nhờ cơ thanh quản co giãn quanh dây thanh âm làm không khí rung lên

Tại sao mèo thở gừ gừ?

Thường thì tiếng gừ gừ được cho là cách để mèo thể hiện sự hạnh phúc nhưng thật ra chúng cũng thể hiện nhiều cảm xúc khác nhau như căng thẳng, lo lắng, thu hút sự chú ý của người nuôi, để giao tiếp với những chú mèo khác, bị đói hoặc bị đau. Chi tiết như thế nào? Dưới đây là 7 lý do lý giải cho hiện tượng này.

1. Khi mèo cảm thấy hạnh phúc

Lý do phổ biến nhất để một chú mèo sẽ gừ gừ khi chúng thấy hạnh phúc. Khi mèo gừ gừ vì hạnh phúc, chúng sẽ trông có vẻ rất thoải mái với đôi mắt nhắm hờ và dường như không liên quan đến thứ gì xung quanh.

Nếu được bạn ôm trong lòng, vuốt ve nhẹ nhàng mèo sẽ cảm thấy hài lòng với tình hình hiện tại và sẽ phát ra tiếng gừ gừ nhè nhẹ cũng như duỗi người như một cách biểu lộ cảm xúc tích cực hoặc bắt đầu nhào bột trên người bạn. Ngoài ra, khi nằm trong tư thế ngủ trưa thoải mái mèo cũng có thể kêu gừ gừ vì vui vẻ.

Vì sao mèo vừa nhào bột, vừa kêu gừ gừ?

Nhào bột là một hành động thường thấy của loài mèo, đặc biệt khi chúng thấy thư giãn, thoải mái. Khi mèo vừa nhào bột vừa kêu gừ gừ nghĩa là chúng đang vô cùng hạnh phúc, thể hiện sự hài lòng và tình yêu đối với người nuôi.

mèo kêu gừ gừ khi vui vẻ
Mèo kêu gừ gừ khi chúng thấy vui vẻ và thoải mái

2. Mèo gừ gừ khi được vuốt ve

Kiểu kêu gừ gừ này cho thấy rằng mèo của bạn đang thích được bạn vuốt ve. Không có gì giống như tiếng gừ gừ hạnh phúc của một con mèo được chủ nhân cưng chiều. Mèo thường kêu gừ gừ thật to như một dấu hiệu thể hiện tình yêu của chúng dành cho bạn và để cho bạn biết chúng đang cảm thấy hạnh phúc như thế nào, giống như một con chó sẽ vẫy đuôi.

Lúc này chúng sẽ kêu gừ gừ nhiều hơn, tâm trạng vui vẻ và có thể nhào bột khi nằm trên người bạn. Điều này chứng tỏ mèo đang cảm thấy vô cùng thoải mái và an toàn khi ở cùng bạn.

mèo kêu gừ gừ khi được vuốt ve
Mèo kêu gừ gừ thật to khi được vuốt ve để thể hiện tình yêu với bạn

3. Mèo con giao tiếp với mèo mẹ qua tiếng gừ gừ

Mèo con có thể kêu gừ gừ khi chúng mới được vài ngày tuổi. Trong tự nhiên, tiếng gừ gừ là cách tương đối an toàn để mèo mẹ và mèo con giao tiếp mà không bị kẻ săn mồi phát hiện. Khi còn nhỏ, giác quan của mèo con chưa phát triển hoàn thiện nên tiếng gừ gừ từ mẹ giúp giúp chúng biết được mèo mẹ đang ở bên cạnh mình.

Ngược lại, mèo mẹ cũng sẽ biết con của chúng đang ở đâu và an toàn hay không. Khi ngủ, mèo mẹ dùng tiếng gừ gừ như một bài hát ru và giúp mẹ con gắn kết với nhau hơn.

Khi đói, tiếng gừ gừ cũng giúp mèo mẹ biết mèo con đang cần được cho ăn. Thói quen này có thể kéo dài đến khi mèo con lớn lên, đó là lý do vì sao bạn thấy chú mèo của mình kêu gừ gừ trước hoặc trong thời gian cho ăn.

cách giao tiếp giữa mèo mẹ và mèo con
Gừ gừ là cách giao tiếp và gắn kết tình cảm giữa mèo mẹ và con

4. Tiếng gừ gừ là lời chào thân thiện

Tiếng gừ gừ cũng giống như một cách chào hỏi giữa những chú mèo.  Mặc dù vẫn chưa thể biết chính xác điều chúng muốn truyền tải là gì nhưng đó có thể là cách để chú mèo kia biết rằng chúng rất thân thiện, dễ gần và không hề có ý muốn gây sự – Theo Tiến sĩ Megan Conrad, bác sĩ thú y làm việc với dịch vụ chăm sóc thú cưng qua telehealth Hello Ralphie.

5. Mèo cảm thấy đói sẽ kêu gừ gừ

Mèo cũng kêu gừ gừ khi cảm thấy đói và muốn được cho ăn. Thường thì chúng sẽ kêu thật to, sau đó liếm, cọ vào chân bạn hoặc làm bất cứ điều gì để có thể thu hút sự chú ý của bạn. Nếu để ý bạn sẽ thấy tiếng gừ gừ lúc này sẽ hơi khác với tiếng gừ gừ lúc mèo thấy vui vẻ.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng tiếng gừ gừ của những những chú mèo đang đói có âm vực cao hơn, hơi giống tiếng meo meo. Tiếng kêu này khiến người nuôi cảm thấy khẩn cấp và khó chịu hơn bình thường nên sẽ nhanh chóng đáp ứng yêu cầu của chúng, giống như phản ứng của chúng ta với tiếng khóc của trẻ sơ sinh.

mèo kêu gừ gừ khi muốn ăn
Mèo kêu gừ gừ để thu hút sự chú ý và muốn được cho ăn

6. Mèo cũng gừ gừ khi bị căng thẳng

Không phải lúc nào tiếng gừ gừ của mèo cũng thể hiện chúng đang cảm thấy vui vẻ. Khi mèo cảm thấy không an toàn và căng thẳng chúng cũng có thể phát ra tiếng gừ gừ. Ví dụ, mèo của bạn gừ gừ khi gặp bác sĩ thú y không có nghĩa chúng thích bác sĩ mà chỉ là cơ chế xuất hiện khi mèo thấy lo lắng.

Tiếng gừ gừ là cách giúp xoa dịu thần kinh và giảm bớt lo lắng cho mèo giống như việc cười hoặc khóc ở người. Vì vậy, nếu bạn thấy bé mèo của mình kêu gừ gừ trong một tình huống căng thẳng thì có thể chúng chỉ đang cố gắng giữ bình tĩnh.

7. Mèo “rên” gừ gừ khi bị đau

Mèo cũng gừ gừ khi chúng cảm thấy đau. Tiếng gừ gừ không chỉ giúp giảm đau mà còn có thể chữa lành một cách hiệu quả. Nó giúp mèo giải phóng endorphin – một hormone giảm đau tự nhiên trong cơ thể. Do đó, mèo sẽ kêu gừ gừ nếu chúng thấy cơ thể khó chịu (trích lời của Tiến sĩ Sabrina Kong, bác sĩ thú ý làm việc với We Love Doodles).

Bên cạnh đó, tiếng mèo kêu gừ gừ ở mèo có độ rung với tần số từ 20 – 150 Hz còn có thể chữa lành xương và gân. Cách chữa lành này không chỉ áp dụng cho loài mèo mà có thể sử dụng cho cả con người. Trong y học, các chuyên gia đã tạo ra liệu pháp rung động ở tần số tương tự để giúp thúc đẩy tái tạo mô cũng như chữa lành cơ và xương nhanh hơn ở người.

mèo gừ gừ giúp giảm đau
Tiếng gừ gừ có khả năng giảm đau và chữa lành

Lợi ích của mèo “gừ gừ” với người nuôi mèo

  1. Vuốt ve một chú mèo gừ gừ có tác dụng xoa dịu và giảm bớt cảm giác lo lắng vì vuốt ve mèo có thể thúc đẩy giải phóng các hormone như oxytocin và serotonin, khuyến khích cảm giác thư giãn và hạnh phúc.
  2. Âm thanh gừ gừ giúp giảm bớt chứng khó thở ở mèo và con người vì nó nằm trong dải tần số có tác dụng điều trị rối loạn hô hấp, việc này đặc biệt có lợi cho những người khó thở do hen suyễn hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).
  3. Vuốt ve một con mèo và cảm nhận âm thanh nhịp nhàng trong tiếng gừ gừ của chúng có tác dụng làm dịu hệ thần kinh, giúp giảm mức độ căng thẳng và hạ huyết áp.
  4. Âm thanh có dải tần từ 25 đến 150 Hz của tiếng gừ gừ có thể thúc đẩy quá trình lành xương ở người bằng cách kích thích các tế bào phát triển và chữa lành xương. Ngoài ra, những rung động do tiếng kêu của mèo cũng có thể giúp tăng mật độ xương ở người, có lợi cho những người lớn tuổi có nguy cơ mắc bệnh loãng xương hoặc các tình trạng liên quan đến xương khác.
  5. Khi một con mèo kêu gừ gừ, những rung động sẽ được truyền khắp cơ thể và cả người ở gần, giúp tăng lưu lượng máu đến vùng bị thương trên cơ thể, thúc đẩy quá trình chữa lành bằng cách đưa oxy và chất dinh dưỡng đến các mô bị tổn thương.
  6. Tiếng gừ gừ của mèo còn hoạt động như một chiếc máy tạo tiếng ồn trắng – âm thanh như sóng vỗ, suối chảy,… có thể lấn át các âm thanh khác giúp bạn chìm vào giấc ngủ dễ dàng hơn.

(Nguồn: Sách Chiếc mèo kì diệu, Animal Hearted)

lợi ích của mèo gừ gừ với người nuôi
Ôm một chú mèo kêu gừ gừ sẽ mang đến nhiều lợi ích về sức khỏe thể chất và tinh thần

Mèo có phải loài động vật duy nhất kêu gừ gừ (purr)?

Mèo không phải loài động vật duy nhất kêu gừ gừ. Họ hàng gần với mèo như cầy Genet, cầy hương và cầy Mangut cũng kêu gừ gừ. Ngoài ra, một số loài khác như lợn Guinea, gấu trúc, chuột lang và linh cẩu cũng có khả năng này. Tuy vậy, các loài cùng họ mèo như báo sư tử (Cougars) và linh miêu đuôi cộc có thể gừ gừ nhưng không thể gầm lên.

Ngược lại, sư tử và hổ có thể gầm gừ nhưng không thể kêu gừ gừ. Nguyên nhân là do các cấu trúc xung quanh thanh quản của chúng không đủ cứng để tạo ra âm thanh gừ gừ. Những loài mèo lớn phát triển tiếng gầm để đe dọa con mồi khi đi săn và thị uy để bảo vệ lãnh thổ trong khi các loài mèo nhỏ sống cô độc và không phải tranh giành thức ăn sẽ không cần phải gầm gừ thật lớn. Thay vào đó, các loài mèo nhỏ này đánh dấu lãnh thổ bằng mùi hương. (Theo Tiến sĩ Benjamin L. Hart tại Đại học California).

Mỗi tiếng kêu gừ gừ ở mèo đều thể hiện những nhu cầu khác nhau, bạn nên theo dõi bé mèo của mình để biết chúng đang thật sự muốn gì. Ngoài ra bạn hãy thường xuyên ôm bé mèo khi chúng đang gừ gừ để cả hai cùng chia sẻ sự vui vẻ, hạnh phúc. Nếu muốn biết thêm những thông tin khác về mèo, đừng quên theo dõi Kat Gyrl để cập nhật nhé.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *